Tiếp tục "đoán già, đoán non" kết phim "Về nhà đi con"

ANTD.VN - Bộ phim của đạo diễn Danh Dũng được chọn mở màn khung giờ phim mới với thời lượng phát sóng chưa đầy 30 phút/tập đã từng bị khán giả đòi tẩy chay chỉ vì… quá thích. Lý do tuy có vẻ tréo ngoe, nhưng đúng là phim hấp dẫn trong khi thời lượng phát quá ngắn, chưa kể quảng cáo lại nhiều nên khiến người xem cảm thấy vô cùng bực bội.

Tuy nhiên, dần dần khán giả cũng chấp nhận với việc chờ từng tập và không còn trách cứ nhà Đài. Cho tới thời điểm này, bộ phim vẫn đang đứng đầu về tỷ suất người xem và trở thành tác phẩm được bàn tán, bình luận nhiều nhất trên cả truyền thông lẫn các diễn đàn mạng. Con số trung bình gần 50.000 người xem trên website của VTV đã phần nào cho thấy, phim không chỉ phủ sóng màn ảnh nhỏ mà còn hấp dẫn cả người xem trực tuyến.

Lấy cảm hứng từ một bộ phim hay

Trong ngày ra mắt phim “Về nhà đi con”, đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam - đơn vị sản xuất phim từng chia sẻ, các bậc phụ huynh khi xem phim này sẽ hiểu được suy nghĩ của con mình như thế nào trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Còn giới trẻ thì sẽ hiểu hơn tấm lòng bao dung và tình yêu thương bao la của những người làm cha, làm mẹ. Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều, ngay tựa đề phim cũng đã nói lên điều đó.

Phim được “re-make” (làm lại) từ bộ phim truyền hình cũng do chính VFC sản xuất và phát sóng cách đây 6 năm với tên gọi “Khi đàn ông góa vợ bật khóc”. “Khi đàn ông góa vợ bật khóc” vượt qua rất nhiều bộ phim khác, được xem là điểm nhấn sáng của phim truyền hình Việt nửa cuối năm 2013. Từ vai diễn ông bố trong bộ phim này mà NSƯT Công Lý được mọi người nhìn nhận đóng vai bi rất đạt. Và cũng từ đó, các đạo diễn luôn tin tưởng mời anh vào dạng vai này.

Lúc quyết định làm lại “Khi đàn ông góa vợ bật khóc”, đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải đã giao cho một êkip sản xuất hoàn toàn khác. Kịch bản “Về nhà đi con” vì thế được viết lại và chỉ lấy cảm hứng từ “Khi đàn ông góa vợ bật khóc”. Như lời biên kịch Nguyễn Thu Thủy thì cùng khai thác đề tài “gà trống nuôi con”, song “Về nhà đi con” tiếp cận đề tài với tinh thần hiện đại hơn. Ngay như lý lịch và những vấn đề mà các nhân vật phải đối diện trong “Về nhà đi con” cũng được thay đổi khiến cho cấu trúc và mạch phát triển của câu chuyện hoàn toàn độc lập và khác biệt.

Câu chuyện trong “Về nhà đi con” xoay quanh gia đình ông Sơn (NSƯT Trung Anh) với 3 cô con gái - Thu Huệ (Thu Quỳnh), Anh Thư (Bảo Thanh) và Ánh Dương (Bảo Hân). Vợ mất sớm, ông Sơn một mình vò võ nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Ở ông Sơn, ẩn sau nỗi đau của một người chồng mất vợ, sự hy sinh của một người bố cô đơn nuôi con, còn là nỗi day dứt, dằn vặt khôn nguôi đã gián tiếp để người bạn đời của mình qua đời chỉ vì muốn sinh thêm con trai. Bất hạnh thay, người vợ của ông hạ sinh đứa con thứ ba lại là con gái và bà cũng đã qua đời ngay sau khi cô bé chào đời. Với gương mặt khắc khổ và trĩu nặng ưu tư, NSƯT Trung Anh đã có sự “lột xác” đầy ngoạn mục sau vai diễn Lương Bổng trong “Người phán xử”. 

Bộ phim có nhiều phân cảnh xúc động, lấy nước mắt của người xem

Những thước phim rất đời về đề tài “gà trống nuôi con”

Khai thác đề tài “gà trống nuôi con”, những thước phim “Về nhà đi con” được cho là đánh trúng “địa hạt” đề tài rất đời nhưng còn bỏ ngỏ trên phim ảnh. Trên thực tế, nhiều năm gần đây, đề tài gia đình luôn có sức hấp dẫn người xem và dễ tạo nên “cơn địa chấn” trên sóng truyền hình. Như trước kia, theo tìm hiểu được biết, dù đều từng được xem là “hiện tượng” phim truyền hình, song “Sống chung với mẹ chồng” thậm chí còn có ratings cao hơn cả “Người phán xử”. 

Chính bởi thế nên khi lý giải về “cơn sốt” của “Về nhà đi con”, NSƯT Trung Anh chia sẻ, anh nghĩ phim “hot” vì khai thác đề tài gia đình nên khi xem, ai cũng sẽ thấy bóng dáng của mình đâu đó. Đặc biệt, phim lại nhắc đến chuyện ông bố đơn thân, “gà trống” một mình nuôi 3 cô con gái với 3 cá tính hoàn toàn khác biệt. Bên cạnh đó, NSƯT Trung Anh cho rằng, lời thoại và tình huống được xây dựng trong phim rất “đời”, mang hơi thở của nhịp sống đương đại và gần gũi với khán giả hiện nay.

Như chi tiết người bố thể hiện sự bất lực, đau xót khi cầm chổi đánh cô con gái út, rồi khựng lại đầy đau đớn khi nghe đứa con trách móc rằng, lẽ ra mình không nên sinh ra trên cuộc đời này để rồi vì thế mà mẹ vĩnh viễn ra đi. Rất nhiều những chi tiết “đắt” như vậy trong phim khiến nhiều người xem bật khóc vì xúc động. Để rồi, trải qua không biết bao nhiêu biến cố trong cuộc sống, người bố ấy lại tiếp tục dõi theo cuộc sống của các con, vui buồn với sự lựa chọn của mỗi cô con gái, nuốt nước mắt vào trong để luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay đón các con trở về bất cứ khi nào chúng vấp ngã. 

Những câu thoại của người bố như chạm vào trái tim của hàng triệu người xem, những người làm cha, làm mẹ và cả những đứa con:  Hạnh phúc của con còn quan trọng hơn nỗi buồn của người khác; Đến một lúc nào đó đủ trưởng thành, con sẽ hiểu thứ đắng cay nhất, thứ khó học nhất chính là lòng vị tha; Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua và lẩm cẩm, nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về…

Ở nhân vật ông bố mà NSƯT Trung Anh hóa thân, người ta cảm nhận được đầy đủ cung bậc và sắc thái tình cảm dành cho mỗi người con. Nếu như với cô con gái lớn là sự tin yêu xen lẫn xót xa vì thấy con quá hiền lành, cam chịu và luôn nhận mọi thua thiệt về mình thì với cô con gái thứ hai - một cô gái thông minh lanh lợi, nhưng có phần thực tế và thực dụng - thì tình yêu mà ông bố này dành cho lại tràn ngập sự gần gũi, âu yếm, bao bọc nhưng cũng không kém phần lo âu. Còn với cô con gái út - đứa con cá tính vẫn bị cho là ngỗ ngược, khó bảo nhất trong số 3 chị em, thì tình cảm của người cha ấy lại có cả sự day dứt, bất lực, xen lẫn tình yêu thương mà ông luôn ngần ngại thể hiện với con.

Chọn “trúng” diễn viên đủ độ chín

Thời điểm “Khi đàn ông góa vợ bật khóc” ra mắt, dàn diễn viên chính ngoài NSƯT Công Lý là nghệ sĩ nổi tiếng và quen thuộc thì đa phần các diễn viên còn lại đều là gương mặt mới. Thành công của bộ phim này sau khi lên sóng cũng đã giúp không ít những cái tên mới được nhiều người biết đến, trong đó có Trang Cherry. Tuy nhiên, ở “Về nhà đi con”, êkip sản xuất đã có lợi thế hơn rất nhiều bởi các diễn viên tham gia đóng trong phim đều là những gương mặt đang “hot” trên màn ảnh nhỏ như: NSƯT Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh… Kể cả Quốc Trường dù lần đầu tiên ra Bắc đóng phim, nhưng trước đó anh đã là cái tên ăn khách và bảo chứng cho thành công của rất nhiều bộ phim truyền hình trong Nam.

Nhìn vào danh sách các diễn viên có thể dễ dàng nhận ra, họ đều vừa có những vai diễn rất ấn tượng trong phim truyền hình phát sóng gần đây như: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ”… Đây được xem là sự lựa chọn khôn ngoan và có tính toán từ VFC. Bởi lẽ đứng ở góc độ khán giả, mọi người đều tò mò muốn biết dàn diễn viên đang “hot” này sẽ có vai diễn tiếp theo thế nào, khác trước ra sao, liệu có tiếp tục tỏa sáng hay sẽ rơi vào diễn xuất “một màu”. Còn đứng ở góc độ làm nghề, rõ ràng việc lựa chọn các gương mặt được cho là đang trên đà nổi tiếng và ở độ “chín” về nghề chắc chắn sẽ đem lại những đúp quay an toàn, nhất là khi đó là những vai diễn nội tâm cần lột tả chiều sâu cảm xúc. 

Cho tới thời điểm này, “Về nhà đi con” đang đi dần đến những tập cuối cùng và khán giả vẫn đang tiếp tục “đoán già đoán non” về cái kết của phim. Chính điều này cũng tạo ra những cuộc tranh luận, bàn tán sôi nổi trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội. Phim tính đến nay đã chính thức quay xong và đóng máy, bản thân các thành viên trong êkip cũng được yêu cầu giữ bí mật đến phút chót, tuyệt đối không tiết lộ bất cứ tình huống nào liên quan đến kết phim.

Tuy nhiên, nhà biên kịch Nguyễn Thu Thủy cho biết, chị đã phải viết đi viết lại kịch bản của tập cuối nhiều lần vì mỗi lần nghĩ ra một cái gì đó tốt hơn, chị lại quyết định bổ sung hoặc thay đổi. Cũng theo nữ biên kịch này, nhiều khán giả sợ kết phim sẽ kiểu “đầu voi, đuôi chuột”, nhưng chị cho rằng, nỗi sợ đó suy cho cùng khởi nguồn từ tình cảm yêu mến dành cho bộ phim và hy vọng, khi xem tập cuối, mỗi người sẽ có được câu trả lời chính xác cho nỗi sợ đó.