Tiếng Anh yếu, đào tạo ngoại nhập hạn chế

ANTD.VN - Trình độ Tiếng Anh hạn chế là yếu tố lớn ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của chương trình tiên tiến tại các trường đại học (ĐH) trong nước.

Sau 10 năm triển khai, cả nước có 24 trường ĐH thực hiện 37 chương trình đào tạo của 22 trường ĐH trên thế giới. 3.600 sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, chất lượng nguồn nhân lực được doanh nghiệp đánh giá cao. 

Điểm yếu cố hữu

Với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao ngay tại các trường ĐH trong nước, Việt Nam đã nhập khẩu 35 chương trình giáo dục đại học tiên tiến để giảm chi phí so với việc du học nước ngoài. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, khó khăn đặt ra đối với chương trình đào tạo tiên tiến là trình độ tiếng Anh hạn chế của sinh viên cũng như giảng viên. Từ thực tiễn của trường ĐH Ngoại thương, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường này cho rằng, để chương trình tiên tiến lan tỏa và bền vững, vấn đề lớn nhất là phát triển được đội ngũ, làm chủ được chương trình, nội dung đào tạo.

“Vấn đề khó nhất là tiếng Anh. Chúng ta chưa có thời gian chuẩn bị cho cả thầy và trò, có gì dùng nấy, dẫn tới chất lượng trong một số chương trình chưa đạt yêu cầu”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Đây là vấn đề khó, cần đầu tư lâu dài, bền bỉ. “Đến giờ nhà trường chưa thể làm chủ hoàn toàn mà vẫn cần sự giúp đỡ của các giảng viên quốc tế. Giải pháp được chúng tôi đưa ra là yêu cầu giảng viên phấn đấu đạt chuẩn một trường quốc tế, yêu cầu các thầy cô đào tạo ở nước ngoài để làm chủ được chương trình. Đội ngũ này sẽ dần thay thế giảng viên nước ngoài”, ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ. 

Hiện tại, nhiều trường cũng đang phải vừa dạy vừa “nâng cấp” trình độ tiếng Anh của giảng viên. GS. Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Việt Nam cho biết, để tạo môi trường học tập mang tính quốc tế, trường đã đặt lộ trình cho các giảng viên trong 3 năm phải đạt trình độ ngoại ngữ IELTS 6.0, nếu không đạt sẽ buộc thôi việc.

Bên cạnh đó, TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết, do trường thu hút chủ yếu sinh viên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên trình độ tiếng Anh khá yếu. Để đảm bảo chất lượng chương trình, nhà trường đã bố trí một học kỳ đầu để sinh viên tham gia các chương trình học tiếng Anh, để tới các kỳ sau mới để các em tiếp tục học chương trình bằng tiếng Anh.

Cần nâng cấp chương trình tiên tiến

GS. Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, các chương trình tiên tiến được “nhập khẩu” từ nước ngoài nhưng chính các đối tác cũng chưa công nhận tín chỉ như chương trình của họ. Hiện mới có 6 trên tổng số 35 chương trình tiên tiến được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN. Thiếu sự công nhận quốc tế, việc thu hút sinh viên nước ngoài theo học các chương trình tiên tiến trong nước rất khó khăn. Trong tổng số hơn 13.000 sinh viên đang theo học chương trình tiên tiến mới chỉ có hơn 1.900 sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập và trao đổi học thuật.

Để thu hút sinh viên trong nước và quốc tế, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cho biết: “ĐH Y Hà Nội hoàn toàn có thể tiếp tục chương trình này từ thành công những năm vừa qua. Tuy nhiên, cần rà soát lại chương trình, nhất là nội lực của từng trường để đầu tư hiệu quả và đúng chỗ. Bên cạnh đó, nên đầu tư mới cho chương trình mới, vì chương trình cũ đã thực hiện xong sứ mệnh”.

Chỉ ra những điểm yếu của chương trình tiên tiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Khi chọn chương trình, chúng ta chưa dành nhiều thời gian để phân tích dự đoán; chọn ra những ngành cần thiết cho nền kinh tế mà chủ yếu dựa vào ngành chúng ta có thế mạnh, dẫn tới một số ngành xã hội không quan tâm, quy mô nhỏ, sinh viên đầu vào chất lượng chưa tương xứng với mục tiêu của chương trình”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những tiêu chí của chương trình đào tạo chất lượng cao tới đây là phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động được dự báo, tăng cường các ngành công nghiệp mũi nhọn theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và 8 nhóm ngành di chuyển lao động tự do ASEAN để ưu tiên đầu tư. “Tới đây, cạnh tranh giữa các trường rất quyết liệt. Mỗi trường đại học chỉ cần có một số chương trình xuất sắc, trọng điểm, bám sát thị trường, tập trung đầu tư tốt để xây dựng và phát triển thương hiệu, không dàn trải”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu rõ.