Kiểm soát thực phẩm chức năng thiếu chặt chẽ:

Tiền mua thuốc bị đội lên ghê gớm

ANTĐ - Quảng cáo quá mức, quá công dụng khiến nhiều người lầm tưởng sản phẩm là thuốc, thậm chí là thần dược chữa được bách bệnh, hay ghi nhãn không đúng… là sai phạm thường gặp trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay. Việc nên hay không cho bác sĩ được kê đơn TPCN đang gây ra nhiều tranh cãi.

Không nên tùy tiện sử dụng thực phẩm chức năng theo quảng cáo. (Ảnh minh họa)

Quá nửa vi phạm về quảng cáo

Tại hội thảo bàn về thực trạng quản lý TPCN diễn ra cuối tuần qua ở Hà Nội, Bộ Y tế cho biết, ngành sản xuất, kinh doanh TPCN mới chỉ xuất hiện ở nước ta khoảng 10 năm trở lại đây nhưng đạt tốc độ phát triển quá nhanh. Cũng vì thế nên các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo về sản phẩm này xuất hiện không ít, đặc biệt là vi phạm về quảng cáo diễn ra tràn lan, gây bức xúc xã hội. Báo cáo tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, có đến 53% doanh nghiệp kinh doanh TPCN vi phạm về quảng cáo, phổ biến nhất là quảng cáo quá chức năng, sử dụng hình ảnh, thông điệp gây nhầm lẫn sản phẩm TPCN là thuốc.

Hiện tại, trên thị trường nước ta có khoảng 10.000 sản phẩm TPCN, trong đó nhập khẩu chiếm 40%. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh lĩnh vực này. Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế thừa nhận, một trong những khó khăn hiện nay trong công tác quản lý TPCN là kiểm soát việc quảng cáo. Nguyên nhân là do TPCN thường được bán theo hình thức kinh doanh đa cấp nên muốn bán được hàng buộc người bán quảng cáo quá mức. Bên cạnh đó, kênh quảng cáo qua báo đài địa phương vẫn chưa kiểm soát hết được, những trường hợp vi phạm được cơ quan chức năng xử lý ít. 

Các chuyên gia cho biết, phần đông người tiêu dùng chưa nhận thức được đúng công dụng của TPCN, nảy sinh 2 xu hướng tâm lý trái ngược: ngại sử dụng hoặc sử dụng thiếu khoa học. Nghiêm trọng hơn, một số người nghe theo lời quảng cáo quá mức, quá công dụng thực của TPCN nên tự ý mua, sử dụng nhằm hỗ trợ điều trị bệnh, kết quả là quá trình điều trị không đạt hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng bệnh tật và sức khỏe. 

Không thể sử dụng tùy tiện

Theo quy định hiện hành, TPCN không phải là thuốc và không được phép kê toa trong đơn thuốc của bác sĩ, song do lợi nhuận từ khoản hoa hồng mà các công ty kinh doanh hứa hẹn, cộng thêm việc kiểm soát còn thiếu chặt chẽ… nên tình trạng này luôn diễn ra và ngày càng phổ biến. Đây cũng chính là một trong những vấn đề khiến người bệnh bức xúc nhất trong thời gian qua, bởi việc lạm dụng kê đơn của bác sĩ, kê cả TPCN vào trong đơn thuốc, khiến cho chi phí mua thuốc của người bệnh bị đội lên ghê gớm. Tuy nhiên, tại hội thảo, đa phần ý kiến chuyên gia đặt vấn đề, nên sửa quy định này nhằm hướng dẫn người dân sử dụng TPCN cho đúng và an toàn. 

Ông Trần Quang Trung cho biết, sắp tới Cục ATVSTP sẽ xin ý kiến Bộ Y tế đưa các vấn đề quản lý TPCN, trong đó có việc bác sĩ được kê toa, vào thông tư hướng dẫn. Để hướng dẫn sử dụng TPCN thì bác sĩ phải kê đơn. Mục đích không phải kê đơn để điều trị mà để hỗ trợ quá trình điều trị, sau điều trị, để tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Tất nhiên để quy trình này thực sự có hiệu quả thì phải nghiên cứu kỹ, không phải sản phẩm TPCN nào cũng cho phép bác sĩ được kê đơn. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP đặt câu hỏi: “Tại sao lại cấm bác sĩ kê đơn trong khi TPCN hữu ích cho người điều trị ngoại trú, kể cả nội trú?”. Ông phân tích, phát triển TPCN để phục vụ cho sức khỏe con người là xu hướng tất yếu ở Việt Nam cũng như các nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy, người dân cần sự tư vấn chuẩn xác để sử dụng đúng và đạt hiệu quả tốt nhất cho lợi ích của mình. 

Không phản đối quan điểm trên, song GS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam góp ý, để cho bác sĩ kê đơn TPCN thì điều tiên quyết là bản thân người thầy thuốc phải có hiểu biết về sản phẩm đó có những thành phần gì, tác dụng như thế nào. Chẳng hạn, một số loại TPCN chứa Glucosamine mà kê cho bệnh nhân vừa đau khớp, thoái hóa khớp lại vừa có bệnh tiểu đường thì không tốt. GS. Phạm Gia Khải cho biết, thực tế hiện nay có rất nhiều người dân dùng TPCN, có người thấy tốt, có người không, thậm chí bị tác dụng phụ…, là vì cứ sử dụng mà không cần biết trong TPCN có những thành phần gì. Chính vì thế, TPCN dù có được phép cho kê đơn hay không thì trước khi sử dụng loại sản phẩm này, người dân vẫn nên tham khảo sự hướng dẫn của thầy thuốc, tránh tiền mất tật mang.