Nhà mạng hỗ trợ địa phương triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền 2 cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Các địa phương hoạt động theo mô hình chính quyền 2 cấp từ hôm nay (1-7). Nhà mạng sẽ đồng hành cùng địa phương trong việc triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Nhà mạng hỗ trợ địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính

Nhà mạng hỗ trợ địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính

Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, MobiFone phối hợp cùng Trung tâm Phục vụ Hành chính công tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Thời gian qua, MobiFone đã tham gia vào việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Nguyên. Hệ thống này hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành theo mô hình mới.

Việc triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức các tỉnh, thành phố. Hệ thống giúp kết nối, đồng bộ quy trình xử lý giữa cấp tỉnh và cấp xã/phường, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và điều hành.

Nhờ ứng dụng công nghệ, các địa phương có thể tiết kiệm nguồn lực vận hành, giảm thiểu chồng chéo, tăng tính minh bạch và kiểm soát tốt tiến độ giải quyết hồ sơ. Đồng thời, việc số hóa toàn diện cũng giúp nâng cao chất lượng phục vụ, thể hiện rõ vai trò của chính quyền số trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với người dân và doanh nghiệp, mô hình này tạo ra trải nghiệm dịch vụ công thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm. Thông qua nền tảng trực tuyến, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện, dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ theo thời gian thực, giảm thiểu chi phí và thời gian chờ đợi.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng chính quyền hiện đại, thân thiện, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm.

Trong khi đó, nhà mạng Viettel cho biết, gần 1,5 triệu cán bộ, công chức ở các xã, phường, tỉnh thành trên cả nước sẽ được hỗ trợ bởi trợ lý ảo để cán bộ giải quyết các thủ tục đúng thẩm quyền, đúng quy định.

Trợ lý ảo cán bộ công chức (CBCC) hỗ trợ giải đáp thắc mắc về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền 2 cấp.

Dựa trên dữ liệu đã được chuẩn hoá từ 28 nghị định bao phủ 19 lĩnh vực, Trợ lý ảo CBCC có thể hỗ trợ tra cứu 2.700 nhiệm vụ. Hệ thống có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi – trên máy tính, điện thoại, máy tính bảng – và luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7.

Ví dụ, muốn tìm thông tin về việc cấp xã có nhiệm vụ gì trong việc quản lý tiêm chủng tại địa phương, nếu sử dụng các công cụ tìm kiếm sẽ cho ra gần 2 triệu kết quả với nhiều nội dung khác nhau, không có câu trả lời rõ ràng và chính xác theo quy định pháp luật. Trong khi đó, Trợ lý ảo CBCC cung cấp câu trả lời đúng trọng tâm kèm theo dẫn chứng các văn bản pháp luật có liên quan.

Để đảm bảo năng lực vận hành toàn quốc trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, VNPT cũng đã chủ động triển khai nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phần mềm. Toàn bộ quá trình kiểm thử đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc triển khai chính thức theo mô hình chính quyền mới từ 1/7/2025 theo đúng kế hoạch.

Trong gần 6 năm qua, VNPT đã liên tục nâng cấp, cập nhật hệ thống theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo Cổng Dịch vụ công quốc gia hoạt động ổn định. Đến nay, Cổng đã kết nối với hơn 137 hệ thống của bộ, ngành, địa phương, tích hợp với 10 ngân hàng và 9 trung gian thanh toán để thực hiện thanh toán phí, lệ phí.

Hệ thống đã ghi nhận hơn 7,3 tỷ lượt truy cập, tiếp nhận xử lý hơn 272.000 phản ánh kiến nghị, và xử lý gần 600 triệu hồ sơ.