Thương hiệu đàn Việt Nam

(ANTĐ) - Một ngày cuối năm 2001, danh cầm Paul Carlson đã sang Việt Nam và biểu diễn hai đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong hai đêm đó, Paul Carlson đã từ bỏ cây đàn trứ danh Antonius Stradiuarius đáng giá hàng trăm nghìn USD để đặt cần Archet lên cây vĩ cầm vô danh của một nghệ nhân làm đàn không mấy tên tuổi ở Việt Nam. Đó là nghệ nhân Lê Đình Viên. Đây cũng chính là bước ngoặt cho giới làm đàn Việt Nam. Từ thời điểm này, người làm đàn Việt Nam đã chứng minh được với toàn thế giới thương hiệu đàn Việt Nam không thua kém nước ngoài.

Thương hiệu đàn Việt Nam

(ANTĐ) - Một ngày cuối năm 2001, danh cầm Paul Carlson đã sang Việt Nam và biểu diễn hai đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong hai đêm đó, Paul Carlson đã từ bỏ cây đàn trứ danh Antonius Stradiuarius đáng giá hàng trăm nghìn USD để đặt cần Archet lên cây vĩ cầm vô danh của một nghệ nhân làm đàn không mấy tên tuổi ở Việt Nam. Đó là nghệ nhân Lê Đình Viên. Đây cũng chính là bước ngoặt cho giới làm đàn Việt Nam. Từ thời điểm này, người làm đàn Việt Nam đã chứng minh được với toàn thế giới thương hiệu đàn Việt Nam không thua kém nước ngoài.

Nghệ nhân Lê Đình Viên bên những cây đàn do chính tay ông làm
Nghệ nhân Lê Đình Viên bên những cây đàn do chính tay ông làm

Cung không “đáp ứng” cầu

Theo thời gian, sự kiện cách đây 9 năm rồi cũng trôi qua và ít ai còn nhớ đến. Đã có nhiều người làm đàn, từ guitare, violin hay các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu… phần nào đó đã gây dựng được tên tuổi cho mình. Nhưng nhiều người đã tự cho mình một thương hiệu và chỉ chăm chú đi đánh bóng thương hiệu của mình mà quên đi mất: “Người làm ra một cây đàn thành công chỉ chiếm 50%, 50% còn lại thuộc về người chơi đàn”.

Theo những xưởng làm đàn có uy tín, có rất nhiều người muốn học một loại nhạc cụ bởi nhiều lý do, số đông vì phục vụ mục đích giải trí, tiêu khiển khi rảnh rỗi. Đa số những người này thường tìm mua loại đàn giá rẻ  chỉ vài trăm nghìn đồng để học và cũng vì không thật sự yêu thích. Họ chỉ cần đánh được một số bài nhất định. Bởi vậy, đầu tư vài triệu đồng cho một nhạc cụ là điều quá xa xỉ. Nhưng nhu cầu này lại rất lớn vì không mấy ai muốn đi quá sâu trong việc học nhạc.

Tuy nhiên, làm đàn ở Việt Nam lại đang hướng đến việc chuyên nghiệp, phần lớn đàn của các nghệ nhân chế tác ở Việt Nam đều được làm thủ công. Sự trợ giúp của máy móc nhiều lắm cũng chỉ chiếm 1/3 cho đến 1/2 toàn bộ công đoạn làm đàn. Bởi vậy, giá thành nhạc cụ chế tác tại Việt Nam cũng vì thế mà cũng cao hơn rất nhiều so với việc chế tạo nhạc cụ một cách công nghiệp.

Hiện nay, có một nghịch lý là người làm đàn Việt Nam thường gia công đàn cho nước ngoài, việc chế tác đàn chỉ là thứ yếu, dành cho một bộ phận những nghệ nhân có niềm đam mê với nghề. Một số khác lại chỉ mô phỏng theo các loại đàn đã có mẫu sẵn, không có sự đầu tư, nghiên cứu để làm ra những chiếc đàn Việt Nam dành cho người Việt Nam.

Nghệ nhân Lê Đình Viên từng nói: “Tiếng đàn luôn phải phù hợp với ngôn ngữ, với tiếng lòng của người chơi đàn. Bởi vậy, đàn dành cho người Việt Nam đánh càng phải là những chiếc đàn thể hiện được âm sắc của người Việt Nam. Không gì hơn bằng việc những cây đàn đó được chính những người Việt Nam chế tác”.

Nghệ nhân lớn, xưởng nhỏ

Nhiều nghệ nhân chế tác đàn cho biết: “Đàn ở Việt Nam có chất lượng rất tốt, không thua kém gì so với đàn “ngoại”, bởi, khí hậu ở Việt Nam rất thích hợp cho công đoạn đóng đàn. Hơn nữa, kỹ thuật làm đàn của người Việt Nam đã từ lâu được tôi luyện, không thua kém gì so với thế giới”. Phần đông những người chế tác đàn ở Việt Nam đều có chung tâm nguyện: Đó là để thế giới biết đến đàn Việt Nam và người Việt Nam biết giá trị thực sự của đàn Việt Nam. Cách duy nhất hiện nay đàn Việt Nam tiếp cận với thế giới mới chỉ thông qua việc bán riêng lẻ cho khách du lịch và gia công cho các hãng đàn. Chúng ta cũng vì ít kinh phí mà không tìm hiểu kỹ thuật mới cho bằng các nước trên thế giới.

Trong một xưởng sản xuất nhạc cụ
Trong một xưởng sản xuất nhạc cụ

Để ra được một cây đàn như ý phải trải qua không biết bao nhiêu công đoạn cùng với sự cẩn trọng và tài hoa của bàn tay người thợ. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện… tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật của ngày xưa để lại. Mất công mà giá thành lại thấp, khó sống nổi với nghề.

Một số nghệ nhân hiện nay đã tự lập ra những xưởng nhỏ và hướng tới đối tượng khách hàng nhất định. Đó là chỉ chế tác đặc biệt cho những đối tượng mua có hiểu biết về đàn. Những đối tượng khách bình dân, chỉ mua vui chơi thường phải rút lui vì giá đàn quá cao. Thế nhưng đắt xắt ra miếng. Những cây đàn có giá vài chục triệu cũng làm mát lòng người sở hữu. Bởi vậy mới nói, để đưa thương hiệu đàn Việt Nam ra nước ngoài còn lắm gian nan.

Đỗ Nguyễn Đệ