Thực phẩm chức năng bẩn sắp "hết cửa"

ANTĐ -  Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) trong nước lên đến con số hàng nghìn song do chưa có quy định về thực hành sản xuất tốt (GMP) nên cơ sở hiện đại cũng giống như cơ sở nhỏ lẻ, làm ăn “chộp giật”, đều được xem là đủ điều kiện sản xuất. Vì “tranh tối, tranh sáng” như vậy nên chất lượng sản phẩm TPCN rất khó kiểm định, TPCN bẩn trên thị trường còn phổ biến…

Thực phẩm chức năng bẩn sắp "hết cửa" ảnh 1Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất TPCN quy mô nhỏ lẻ

Không có nhà máy vẫn sản xuất

Trao đổi với báo chí sáng 29-3, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPCN phát triển đúng pháp luật. Tuy vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN trong nước thời gian qua đã nảy sinh rất nhiều sai phạm.

Mới đây, qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có cơ sở chỉ có mỗi văn phòng, không có nhà máy nhưng cũng công bố sản phẩm TPCN và đưa sản phẩm ra thị trường bán. Có nơi, khi đoàn kiểm tra đến thì không thấy văn phòng đâu vì họ đã chuyển sang địa chỉ khác từ lâu mà không báo cáo. Cục ATTP đã xử phạt, rút giấy phép kinh doanh các cơ sở này.

Theo Cục ATTP, hiện cả nước có khoảng gần 20.000 sản phẩm TPCN được công bố, 60-65% trong số đó là sản phẩm được sản xuất trong nước. Đáng buồn là qua kiểm tra, phần nhiều sai phạm lại rơi vào các sản phẩm sản xuất trong nước. Dù vậy, thế giới cũng như Việt Nam hiện chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải theo tiêu chuẩn GMP nên những doanh nghiệp đầu tư rất hiện đại, quy trình sản xuất rất chặt chẽ cũng giống như cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ đều được xem là đủ tiêu chuẩn để sản xuất TPCN. “Cần tạo ra hành lang pháp lý để thị trường vận hành một cách công bằng và các doanh nghiệp phát triển lành mạnh” - TS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh. 

Cần lộ trình để tránh “bóp chết” doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, áp dụng GMP với sản xuất TPCN sẽ đáp ứng được 2 mục tiêu quan trọng: Nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng, loại bỏ được các doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất tham gia vào thị trường. Hiện nay, cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất TPCN. Khi áp dụng GMP, dự báo, có quá nửa số này không đáp ứng được yêu cầu và muốn tiếp tục kinh doanh, họ sẽ phải nỗ lực hơn nhiều, cố gắng đầu tư và nâng cao chất lượng quản lý hơn.

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - chuyên gia cao cấp về dược học phân tích, với việc áp dụng GMP trong sản xuất TPCN, không phải cơ quan quản lý Nhà nước làm khó doanh nghiệp mà nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Bản thân doanh nghiệp cũng phải nhận thấy người tiêu dùng chính là nguồn sống của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi “nếu người tiêu dùng quay lưng thì doanh nghiệp cũng chết”. 

Hiện tại, Trung Quốc đã có quy định rõ ràng về việc áp dụng Quy chế GMP với sản xuất TPCN, còn ASEAN đặt ra thời hạn bắt buộc áp dụng GMP với TPCN từ năm 2021. Về phía Việt Nam, Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình bắt buộc áp dụng GMP với sản xuất TPCN, phấn đấu có thể áp dụng ngay từ tháng 6-2017 tới.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, sau khi tài liệu hướng dẫn thực hành GMP TPCN được ban hành, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư để thực hiện. Tuy vậy, với tinh thần là phải siết chặt quản lý nhưng không được “bóp chết” doanh nghiệp, Cục ATTP đang nghiên cứu đề xuất lộ trình áp dụng phù hợp để các cơ sở sản xuất có thời gian chuẩn bị, không gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. 

“Nếu phát triển được sản xuất TPCN đạt GMP thì tính ổn định, chất lượng của sản phẩm chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều, khi đó quyền lợi của người tiêu dùng cũng sẽ được đảm bảo” - TS. Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.