Lùm xùm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam:

Thủ tướng chỉ đạo xử lý dứt điểm, Bộ VHTT&DL lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều năm sau khi tiến hành cổ phần hóa, hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam gần như tê liệt.

Việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam bắt đầu được Bộ VHTT&DL triển khai từ năm 2015. Đến giữa tháng 6-2017 thì Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam chính thức ra đời (thay thế Công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam) với nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty Vận tải Thủy (Vivaso). Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, các nghệ sĩ của Hãng đã bức xúc trước việc Vivaso không đảm bảo công việc lẫn đời sống cho nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên trong Hãng, thậm chí không đưa ra bất cứ định hướng làm phim nào. Sau khi cổ phần hóa, Bộ VHTT&DL nắm giữ 28% cổ phần của Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, 72% cổ phần còn lại do Vivaso nắm giữ.

Tuy nhiên "hậu" cổ phần hóa, bên cạnh việc trụ sở tọa lạc trên khu đất "vàng" số 4 Thụy Khuê rơi vào cảnh tiêu điều, đổ nát...thì Hãng phim truyện Việt Nam phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ hoạt động sản xuất phim; công việc và đời sống của cán bộ công nhân viên không được đảm bảo; không có nguồn tài chính để duy trì các hoạt động thiết yếu, kể cả việc bảo quản kho phim...Không ít lần các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại Hãng đã gửi đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, trong đó có cơ quan chủ quản là Bộ VHTT&DL để kêu gọi tìm ra giải pháp kịp thời "cứu" nơi xem là cánh chim đầu đàn của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Rải rác suốt 7 năm qua, nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ VHTT&DL với nhà đầu tư chiến lược Vivasco (Tổng Công ty vận tải Thủy) và ban lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam (sau khi cổ phần có tên gọi là: Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam) đã diễn ra. Một trong những kết luận quan trọng có tính chất tháo gỡ vướng mắc trên đã được Thanh tra Chính phủ đưa ra vào ngày 20-9-2018, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTT&DL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo đúng quy định để nhà đầu tư chiến lược – Vivaso xin rút vốn trước thời hạn. 2 tháng sau khi có kết luận này, Bộ VHTT&DL khẳng định việc để Vivaso xin rút vốn trước thời hạn vẫn đang được Bộ làm từng bước theo kế hoạch, có sự giám sát chặt chẽ của nhiều Bộ, ngành liên quan và Thanh tra Chính Phủ.

Đến ngày 2-4-2019, Văn phòng Chính Phủ có công văn số 116/TB-VCCP nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình về việc yêu cầu Bộ VHTT&DL hoàn trả lại tiền và nhận lại cổ phần từ nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng phương án củng cố, phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Ngày 21-5-2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện việc thu hồi cơ sở nhà đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ; chỉ đạo UBND TP.HCM xử lý, thu hồi cơ sở nhà đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Q.1 theo đúng kết luận thanh tra số 447 ngày 30-3-2018 và số 1412 ngày 23-8-2018 của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VHTT&DL khẩn trương thực hiện quy trình, thủ tục và thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Cảnh hoang tàn trong Hãng phim truyện Việt Nam

Cảnh hoang tàn trong Hãng phim truyện Việt Nam

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) hoang tàn đổ nát, tìm giải pháp phù hợp, có phương án xử lý tồn tại của Hãng phim trước ngày 23-3-2023.

Trước chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, phía Bộ VHTT&DL khẳng định, trong thời gian qua, Bộ vẫn đang tích cực triển khai những nội dung đã được nêu trong kết luận cũng như từng chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài tại Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ cho biết, ngày 13-9-2021, đơn vị này đã có công văn số 3320/BVHTTDL-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Nội dung công văn này cũng nêu chi tiết về quá trình triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến vụ việc "hậu" cổ phần hóa kéo dài tại Hãng phim. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về hình thức thực hiện cũng như xác định cụ thể số tiền phải hoàn trả cho nhà đầu tư chiến lược.

Từ thời điểm cuối tháng 11-2019, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã liên tiếp ban hành các công văn gửi Vivasco đề nghị xác định số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho Bộ VHTTDL. Nhiều cuộc họp liên quan đến những nội dung này đã được Bộ VHTTDL tổ chức với sự tham gia các Bộ, ngành và trực tiếp với Vivasco. Nhằm đảm bảo thực hiện đúng kết luận thanh tra, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã có nhiều công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện việc thu hồi cổ phần đã bán và việc hoàn trả tiền cho Tổng công ty Vận tải thủy.

Ngày 23-8-2022, Bộ tiếp tục có công văn số 3187/BVHTTDL-TTr gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo quá trình thực hiện kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, Bộ VHTTDL báo cáo những vấn đề cụ thể, xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và đề xuất Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét, rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng Công ty vận tải thuỷ Vivasco) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận.

Lãnh đạo Bộ chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Bộ VHTT&DL cũng nhận được nhiều đơn kiến nghị của tập thể cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tế tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ đã đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược Vivasco để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc.

Bộ VHTTDL cũng nêu rõ, trong thời gian vừa qua, mặc dù đã tích cực triển khai, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hóa ở Hãng phim theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề Nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Đồng thời, từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần cũng như quá trình hoạt động trước khi cổ phần hóa của Công ty không hiệu quả nên căn cứ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện không thuộc đối tượng Nhà nước đầu tư. Việc thực hiện nhận lại cổ phần tại Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ Tài chính đã chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề xuất lấy nguồn từ Quỹ Hỗ trợ sản xuất và Phát triển doanh nghiệp để hoàn trả lại cổ phần cho nhà đầu tư.

Cùng với đó là những tồn tại, vướng mắc về vấn đề đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để; khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần; hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam chưa đạt theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu...

Về những bức xúc từ dư luận về thực trạng kéo dài tại Hãng Phim truyện Việt Nam, đặc biệt là những xáo trộn, tâm tư của các nghệ sĩ điện ảnh, lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, Bộ thường xuyên nắm bắt và giao các cơ quan chức năng giải đáp, trả lời các nghệ sĩ trong phạm vi thẩm quyền của mình. Tháng 8.2022, Bộ VHTTDL tiếp tục có công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.

Bộ VHTTDL cho biết, trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai việc thực hiện các nội dung tại kết luận Thanh tra cũng như những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, với mong muốn giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng liên quan đến "hậu" cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.