Thủ tục hành chính chậm... "căn bệnh trầm kha" nhiều nơi đang mắc phải

ANTD.VN - Chiều nay, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Đại biểu (ĐB) Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) đánh giá cao về về dự luật này. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Mai Bộ thì dự luật vẫn chưa đạt được mục đích...

ĐB Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) tại phiên thảo luận về Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)

Chỉ ra điều này, ĐB Nguyễn Mai Bộ viện dẫn, theo Điều 30 của Hiến pháp, quyền được bồi thường khi bị thiệt hại là quyền hiến định. Bộ Luật Dân sự có trách nhiệm quy định bồi thường thiệt hại này là một dạng của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bộ Luật hình sự 2015 quy định, việc bồi thường do cán bộ công chức của Nhà nước gây ra, thì được thực hiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Như vậy, nghĩa vụ của dự thảo luật này thì phải thể hiện nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nhưng ở khoản 3, Điều 4, Nhà nước chỉ bồi thường khi có văn bản làm căn cứ bồi thường của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và có yêu cầu bồi thường.

Với những quy định như vậy đã mâu thuẫn với nguyên tắc bồi thường ngoài hợp đồng là: Ai gây ra thiệt hại thì phải bồi thường chứ không phải là đợi có văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên.

Một vấn đề nữa là việc cố tình giải quyết thủ tục hành chính chậm đã gây ra thiệt hại, mà theo nguyên tắc của Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự phải bồi thường. Thế nhưng, trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, dự thảo Luật này không quy định trường hợp cố ý chậm giải quyết thủ tục hành chính phải bồi thường; nhưng trong quan hệ với công dân thì Nhà nước quy định trong Bộ luật Hình sự, công dân hoặc tổ chức mà chậm nộp thủ tục kê khai thuế thì bị coi là phạm tội trốn thuế, hình phạt là từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng và từ 3 tháng đến 2 năm tù.

“Tại sao quan hệ  Nhà nước với công dân thì Nhà nước không bồi thường khi chậm giải quyết mà công dân chậm thì bị phạt? Vấn đề đó không ổn. Vô hình chung, chúng ta hạn chế đi rất nhiều việc cơ quan hành chính Nhà nước không phải bồi thường mà trong khi đó, đối tượng điều chỉnh của Luật này là bồi thường trong lĩnh vực hành chính. Đề nghị bổ sung Điều 17 những trường hợp phải bồi thường đối với quản lý hành chính là có các trường hợp bồi thường này. Thủ tục hành chính chậm đang là "căn bệnh trầm kha" của rất nhiều nơi đang mắc phải”, ĐB Nguyễn Mai Bộ nêu.