Thống nhất sửa đổi nhiều quy định bất cập về xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa đổi toàn diện Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân do các quy định cũ đã bất cập...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa đổi toàn diện Pháp lệnh số 09

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa đổi toàn diện Pháp lệnh số 09

Sáng nay, 13-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo Pháp lệnh về áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09).

Trình bày tờ trình Pháp lệnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, sau hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh số 09, hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Hơn nữa, Pháp lệnh này cũng thiếu đồng bộ với Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành, do đó cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi.

Dự thảo Pháp lệnh 09 sửa đổi gồm 5 Chương, 44 điều. Trong đó, một nội dung đáng quan tâm là Pháp lệnh nhấn mạnh yếu tố người chưa thành niên cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án.

Thẩm tra dự án Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09.

Về nội dung cụ thể liên quan đến người chưa thành niên, bà Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với TANDTC và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án.

Trong đó, việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh 09 quy định và thi hành ổn định 08 năm qua không có vướng mắc. Vì thế cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Về quy định có tính chất thân thiện khi xử lý vụ việc đối với người chưa thành niên (các điều 2, 10, 18, 21, 35), bà Lê Thị Nga cho rằng, đối tượng bị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là người chưa thành niên, cần được bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ…

Qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sửa đổi toàn diện Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung lớn của Pháp lệnh về: Quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên; hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của pháp lệnh; thủ tục thân thiện khi xử lý vụ việc đối với người chưa thành niên; thẩm quyền của tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng;…

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh nói trên.