Thời gian tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần 2023 và phát ấn cho nhân dân, du khách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ 23 giờ 15 phút ngày 4/2, tức ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra nghi thức Khai Ấn Đền Trần năm 2023. Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55' cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5h ngày rằm tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Đây là lễ hội thu hút rất đông nhân dân, nhất là sau 3 năm không tổ chức. Năm nay, lễ hội dự kiến sẽ có lượng khách đông hơn rất nhiều mọi năm vì vậy, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, UBND thành phố Nam Định khuyến cáo nhân dân, du khách khi về tham dự lễ khai ấn và đi lễ đầu năm tại Đền Trần cần đeo khẩu trang, thực hiện đúng các quy định của ban tổ chức lễ hội.

Các cụ bô lão tại lễ khai ấn Đền Trần năm 2018

Các cụ bô lão tại lễ khai ấn Đền Trần năm 2018

Lễ hội Đền Trần 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1-6/2/2023. Lễ hội có nhiều hoạt động như ngày 1/2/2023, sẽ diễn ra Lễ rước Kiệu Ngọc Lộ từ chùa Phổ Minh sang Đền Trần; ngày 2/2/2023 diễn ra Lễ rước Nước, tế Cá tại Đền Cố Trạch; ngày 4/2 sẽ diễn ra các hoạt động dâng hương, rước Kiệu từ Đền Cố Trạch về Đền Thiên Trường. Từ 23 giờ 15 phút ngày 4/2 sẽ diễn ra nghi thức Khai Ấn.

Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55' cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5h ngày rằm tháng Giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2017

Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2017

Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn, tại khu vực đền Trần tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: Múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật… Như vậy, năm nay lễ hội được khôi phục tổ chức cơ bản đầy đủ nhất các hoạt động lễ hội truyền thống.

Sau 3 năm không tổ chức, Lễ Khai Ấn năm nay diễn ra vào thứ 7 nên BTC dự báo sẽ có lượng khách rất đông. Vì thế, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Theo đó, sẽ có 4 điểm phát ấn, được tổ chức khoa học đảm bảo cho nhân dân vào, ra nhận Ấn. Lượng Ấn cũng đảm bảo cho du khách tham gia xin lộc đầu xuân.