Thoang thoảng xôi cốm Hà thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xôi cốm Hà thành - chẳng biết tôi gọi như thế có đúng không, nhưng quả thực cốm làng Vòng đã nổi danh là một món ngon Hà Nội. Chẳng thế mà nhà thơ Nguyễn Đăng Luận từng cảm hứng viết lên những câu thơ dào dạt: “Yêu em mua cốm làng Vòng/ Nâng niu gói gói trong lòng lá sen/ Lời thề hôm ấy của em/ Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa”.
Hàng xôi cốm Hà thành trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội

Hàng xôi cốm Hà thành trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội

Món ngon thời vụ

Buổi chiều hàng ngày tôi thường đi bộ, gọi là thể dục nhẹ cũng được mà bảo là đi ngắm phố cũng đúng. Ở ngay trên phố Phan Đình Phùng, chỗ gần với vườn hoa Hàng Đậu, tôi thường gặp hàng xôi cốm. Gánh hàng rong ấy thật đơn giản, một chiếc xe đạp cũ, một chiếc thúng phủ nilon che bụi và một cô bán hàng đội nón lá, khăn che kín mặt. Chỉ có giọng nói là đủ nhận ra cô chừng ngoài 30 tuổi. Tôi dừng chân ghé vào, chỗ ấy giáp với vỉa hè nên người qua đường dừng xe mua cũng tiện, hỏi kiểu làm quen: “Bà chủ hàng tên gì thế?”. Chắc là có một nụ cười ẩn trong vành khăn che mặt, cô bán hàng trả lời: “Bác cứ gọi cháu là “cô xôi cốm”.

Ừ, cái tên “cô xôi cốm” nghe cũng hay hay, cũng cảm tình. Thực ra ghé chân mua hàng là để mua chứ đâu phải là để hỏi tên người ta, tôi thầm nghĩ thế nên cười vui: “Cô xôi cốm nhà ở đâu mà đến tận đây bán hàng?”. Lại một nụ cười nữa ẩn trong vành khăn che mặt, cô trả lời: “Cháu ở Nam Từ Liêm bác ạ!”. Tôi đưa đẩy thêm: “Chắc là gần với làng Vòng nổi tiếng?”. Cô bán hàng không trả lời mà hỏi lại: “Bác có mua xôi cốm không? Xôi cốm này cháu mới đồ nên còn nóng và dẻo thơm lắm”. Chà, hỏi khéo đến thế ai mà không mua cho được. Thực tình cốm làng Vòng thì tôi ăn cũng nhiều, nhưng xôi cốm thì chưa bao giờ thử. Tôi tiếp: “Xôi cốm cô bán thế nào?”. Cô nhanh miệng trả lời: “Bác muốn mua bao nhiêu cũng được. Ít thì 30 nghìn đồng một hộp. Hay là bác mua hẳn 50 nghìn?”. Tôi gật.

Cô xôi cốm vừa đon đả đơm xôi vào hộp vừa cho biết: “Chúng cháu mua cốm thành phẩm về rồi đồ. Kiểu đồ như đồ xôi ấy bác ạ!”. Tôi đồng tình: “Thế mới gọi là xôi cốm chứ”. Cô nói thêm: “Để làm mới cốm truyền thống thì ngoài đồ thành xôi, chúng cháu còn dùng thêm đỗ xanh nữa. Đấy chỗ có màu vàng vàng ấy. Đỗ sau khi chà vỏ xong thì chúng cháu cũng đồ chín. Chỉ có khác là không đồ lẫn với cốm mà đồ riêng. Thêm nữa chúng cháu còn bổ sung cùi dừa, thứ cùi được nạo thành sợi nhỏ. Có điều, để đảm bảo khâu vệ sinh nên cùi dừa đã nạo còn được xào chín. Làm như thế người ăn sẽ thấy yên tâm”.

Tôi hơi cúi đầu để ngó kỹ hơn thúng xôi cốm. Cô bán hàng đã cẩn thận để riêng từng thứ gọn gàng đâu đó. Tôi thăm dò: “Sao cô lại không trộn lẫn như kiểu xôi dừa ấy. Để riêng thế này, mỗi khi đơm cho khách hình như hơi cầu kỳ?”. Cô cười thành tiếng: “Để riêng cho tiện bác ạ. Có người thích nhiều cùi dừa, có người thích ít, lại có người thích nêm nhiều đỗ xanh. Chúng cháu chiều khách nên khách yêu cầu thế nào thì đáp ứng kiểu đó”. Rồi cô hỏi lại: “Thế bác thích kiểu gì?”. Tôi trả lời: “Thì cô cứ nêm cùi dừa với đỗ xanh như hay làm cho khách ấy”. Cô tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thế thì cháu bỏ mỗi thứ một ít theo ý cháu nhé”. Tôi gật đầu rồi đưa tay đón hộp xôi mà cô vừa đậy kín, lại còn thêm sợi dây chun cho chắc chắn và hỏi câu cuối: “Mỗi ngày cô bán được mấy thúng vậy?”. Cô xôi cốm cười: “Cũng tùy vào thời tiết ạ!”.

Quen mà lạ, lạ mà quen

Tôi hơi ớ người nhưng rồi nhanh chóng hiểu ra chữ “thời tiết” mà cô vừa nó. Thì ra đi bán hàng rong trên phố cũng phụ thuộc nhiều vào cảm hứng của khách qua đường, tùy thuộc vào tầm giờ thích hợp. Theo như cô cho hay thì hôm nào thời tiết mát mẻ, khách qua đường thư thái hơn nên họ chú ý quan sát và thấy hàng xôi cốm là dừng lại. Còn bữa thời tiết nóng nực hay có mưa rào thì khách qua đường thường vội vã nên họ ít để ý đến hàng xôi cốm vỉa hè. Nhưng nói chung là đã có kinh nghiệm nên trước khi đạp xe vào phố các cô cũng để ý đến tình hình thời tiết qua điện thoại thông minh. Hễ trên màn hình báo khu vực nào râm mát thì các cô đi tới, khu vực nào có nắng to hay mưa thì các cô tránh. Tuy nhiên vì có chuyện “khách nhớ nhà hàng” hay khách đã ăn quen thì các cô thường đến những địa điểm quen thuộc. Chẳng gì bằng bán ở chỗ quen, khách quen, người hàng phố cũng quen này.

Cô xôi cốm thấy tôi chăm chú hỏi có vẻ hơi tỉ mỉ nên thật thà: “Người mua ít như bác thì không nhiều. Khách ăn xôi cốm quen thì họ hay mua hộp to. Có người mua hàng trăm ngàn đồng về chiêu đãi cả nhà ấy. Nghe cô nói vậy tôi cũng vui lây. Vui vì ngoài được ăn cốm làng Vòng truyền thống ra thì đất Hà thành có thêm món ăn mới mà cũ, cũ mà mới, đó là xôi cốm.

Hôm đó, tôi mang hộp xôi cốm về nhà tặng vợ. Bà xã nghe xong có vẻ thích lắm, vì cũng như tôi, bà xã thường chỉ ăn cốm hạt, còn xôi cốm thì cô ấy chưa được thưởng thức. Vợ tôi bảo: “Ông cũng ăn thử xem nó thế nào?”. Tôi dúm một dúm xôi, dĩ nhiên là không quên trộn chút đỗ xanh với cùi dừa. Hơi ngậm môi lại như cách để hương vị của xôi cốm ngấm trong miệng, một chút thơm thơm, dẻo dẻo của hương vị làng Vòng. Lại có một chút ngầy ngậy, ngọt ngọt của cùi dừa, chút bùi bùi của đỗ xanh đồ chín. Tôi chậm rãi vừa nhai vừa “lắng nghe cơ thể” mình. Có gì đấy vừa gần gũi, vừa xa xôi chợt đến. Quả tình xôi cốm ăn cũng ngon đáo để.