Thờ ơ với quyền lợi

ANTĐ - Theo kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tổng cục Thống kê khi được hỏi về tình hình vay vốn, có tới 46,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ không biết về những chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Không ít các chuyên gia về kinh tế phải lắc đầu ngao ngán trước con số này.

Trong thời gian vừa qua, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan chức năng đã tích cực đưa ra các gói giải pháp. Bộ Tài chính quyết định miễn giảm, giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp với số tiền lên tới 29.000 tỷ đồng. Phải nói đây là một nỗ lực lớn của ngành tài chính, bởi trong bối cảnh hiện nay nguồn thu ngân sách hết sức hạn hẹp. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra các giải pháp yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giãn nợ… giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. 

Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp cũng cần phải tiết giảm tối đa chi phí, cơ cấu lại hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn khiến không ít doanh nghiệp thua lỗ nhưng ông chủ vẫn vung tiền tiêu xài bạt mạng, mua ô tô sang, sắm biệt thự… khi không vay được vốn lại “than vãn”. Các doanh nghiệp này cũng luôn mong nhận được sự giúp đỡ nhưng lại thiếu cố gắng, không chịu cập nhật thông tin, không dám thay đổi những lề thói cũ dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Cùng với đó, sự thờ ơ của chính cách doanh nghiệp đối với các chính sách ưu đãi mà Nhà nước đang phải dốc sức, dồn công nhằm cứu vãn khó khăn cũng phần nào cho thấy nhiều khó khăn lại do doanh nghiệp tự gây cho mình.

Kinh nghiệm của không ít doanh nghiệp thành công trong khó khăn chỉ ra rằng, trước khi kêu khó và trước khi nhận hỗ trợ thì tự thân doanh nghiệp cũng phải có những điều chỉnh để thích ứng với tình hình, tận dụng từng thời cơ để phát triển, biến khó khăn thành cơ hội. Các doanh nghiệp này có lẽ nằm ở phía còn lại của thống kê trên.