Thơ Bách Việt - "cuộc đua" của thế hệ 8X và 9X

(ANTĐ) - Giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ nhất - 2008 sẽ được trao vào ngày 10/1/2009 tại Hội trường báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội).

Thơ Bách Việt - "cuộc đua" của thế hệ 8X và 9X

(ANTĐ) - Giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ nhất - 2008 sẽ được trao vào ngày 10/1/2009 tại Hội trường báo Tiền Phong (15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội).

Giải thưởng thơ Bách Việt đã chọn được 2 tác phẩm cuối cùng vào chung khảo là: “Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh (sinh năm 1982 - Hà Nội), và “Thức ăn của ngày hôm nay” của tác giả Đỗ Trí Vương (sinh năm 1990 - TP Hồ Chí Minh).

Nguyễn Thế Hoàng Linh: Vươn tới sự tự do

Không căng thẳng, không cố một điều gì, đấy là ấn tượng đầu tiên của mọi người đối với thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Thế giới qua thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh ngồ ngộ như bài đồng dao, ở đó cái lớn nhất có thể trở thành cái nhỏ nhất, cái li ti lại trở thành cái kỳ vĩ nhất. Và dĩ nhiên, ở đó, trong những câu thơ chơi chơi, tinh quái nhưng đầy chất chứa của Nguyễn Thế Hoàng Linh, đôi khi sự vô nghĩa lại là thứ có nghĩa nhất.

Cảm giác rằng, với Nguyễn Thế Hoàng Linh, thơ có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần một chút trân trọng là thơ sẽ hiển hiện. Điều đó cho thấy tác giả là người yêu cuộc sống này, sống triệt để với cuộc sống này, ở ngay thì hiện tại. Chẳng yêu thì hiện tại, sẽ khó mà cảm nhận vẻ đẹp của những cái nhỏ bé, thấp hèn vốn chiếm đa số trong đời sống. Không nề hà trước những nhỏ bé, thấp hèn là phẩm chất quan trọng của một nhà thơ.

Nguyễn Thế Hoàng Linh có cho riêng mình một giọng, gần gụi, dễ mến nhưng cũng chả dễ quán xuyến. Nó là sự pha trộn giữa nghiêm túc với hóm hỉnh, giữa giễu nhại với ngạc nhiên và giữa nói với ca. Bài thơ khơi nguồn bởi một ý nghĩ vụt lóe lên, sau đó mọi thứ còn lại tùy vào cảm xúc dẫn dắt, sau đó chữ gọi chữ, hồ hởi, rộn ràng kéo nhau lang thang tới bến. Chính vì thế mà ngôn ngữ của Nguyễn Thế Hoàng Linh roi rói, tự nhiên, đầy bất ngờ, thảng hoặc mới thấy sự dụng công của tác giả, ở những chỗ hoán đổi nghĩa.

“ Thơ nằm ôm bước chân bỗng mỏi/ Tự do vì chẳng đuổi theo gì”

Thơ nằm ở chỗ tự do ấy. Viết tự do như ta là nhà thơ đầu tiên của thế giới này, chẳng nệ vào gì, chẳng đuổi theo gì, dù đó là hiện đại, truyền thống, là cách tân hay gì gì chăng nữa.

“Thức ăn của ngày hôm nay” -“Thức ăn” của một người viết trẻ

“Thức ăn của ngày hôm nay” có lẽ là thực-đơn-thơ của một người viết trẻ, rất trẻ và cũng rất khác biệt... Không ồn ã, không giả bộ khiêm nhường hay vờ kìm nén cảm xúc, tác giả đã bày biện thật chậm rãi, thật từ tốn mỗi một cảm nhận của mình về thế giới xung quanh, trời đất một ngày thường, những ước muốn của linh hồn và thân xác, cảm nhận về cỏ cây, chim chóc, tĩnh vật và chiêm bao...

Có thể thấy ở Đỗ Trí Vương độ thấu cảm mạnh hoặc dị thường của các giác quan. Ngay sự nhìn của Vương cũng dễ liên tưởng đến A. Rimbaud với “cái nhìn thấu thị”. Đó là khi tác giả dẫn dụ người đọc nghe được “có đứa trẻ nằm ngáp trong tử cung”, một người là “tù nhân giữa thịt và bức tường”, một con chó tự thú “là tù nhân của lớp da”, một người “thấy cả sự hoàn hảo mà không cần đôi mắt”...

Đỗ Trí Vương có lối viết trực diện, trực cảm, trực nhận trong sự tương tác giữa bản thân và tạo vật. Lối viết này dường không (hoặc cố tình không) lưu ý, lưu tâm đến các phép tu từ hướng đến sự đa nghĩa. Thơ Vương tạo lập được nhiều những hình ảnh có sức ám gợi người đọc mạnh mẽ nhất là sự ám gợi từ chiều kích những giấc mơ.

Có lẽ chẳng phải băn khoăn về sự được, chưa được của “Thức ăn của ngày hôm nay” bởi Đỗ Trí Vương đã bộc bạch “có cần vội xác tín điều gì - khi tôi còn quá trẻ”. Chỉ băn khoăn “tinh hoa phát tiết” một lần rồi người viết sẽ không viết nữa. Lỗi đó, nếu có, kỳ thực cũng thật đáng yêu như những người có tuổi nhìn về thơ ngây với “những lỗi ngày xanh”...

Gia Bách