Thiếu hàng trăm nghìn nhân lực công nghệ thông tin

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam cần tới 1 triệu lao động làm việc trong  lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Nhưng hiện nay, cả nước mới chỉ có 300.000 nhân lực trong ngành này. 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo ĐH FPT và chia sẻ với sinh viên trường này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, CNTT có vai trò quan trọng đối với đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang được đề cập ngày càng nhiều. 

Thiếu hàng trăm nghìn nhân lực công nghệ thông tin ảnh 1Ngành công nghệ thông tin đang “trống” hàng trăm nghìn chỗ làm việc

Công nghệ thông tin tăng trưởng “nóng”

Nêu thực trạng ngành CNTT hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, với dân số trẻ, quy mô lớn, được đánh giá cao về năng lực… nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu đầy tham vọng trở thành nước mạnh về CNTT. “Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam mới chỉ dừng ở vị trí 80-90 trên thế giới theo xếp hạng của Liên hợp quốc. CNTT chỉ tăng trưởng hơn 10%/năm. Thị trường dịch vụ CNTT chỉ đạt 3 tỷ USD so với con số 943 tỷ USD của toàn cầu” - Phó Thủ tướng nêu rõ.

Mặc dù đạt mức tăng trưởng hơn 10%, so với các ngành khác là cao nhưng Phó Thủ tướng cho rằng mức tăng này chưa tương xứng với tiềm lực của ngành CNTT dẫn tới doanh thu cũng chưa thực sự như mong muốn. Cùng với đó, tình trạng nhu cầu nhân lực ngành CNTT tăng rất cao, trong khi đó, nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành này từ các trường ĐH, CĐ còn rất ít, không đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp.

Thông tin từ ĐH FPT cho biết, riêng tại FPT Software Đà Nẵng, với số lượng nhân viên chỉ vài chục người khi mới thành lập vào năm 2005 thì đến nay con số đó hiện là 2.000, tốc độ tăng trưởng nhân sự hàng năm từ 50% đến 60%. Trong khi đó, nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn còn rất khiêm tốn.

Day dứt vì chưa tận dụng hết cơ hội

“Nhiều người cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có đặc trưng là kết nối. Đó là việc kết nối 8 tỷ thiết bị, kết nối ở mọi tầng lớp, mọi giác độ. Sự kết nối không chỉ ở một mái trường, một tỉnh, một đất nước mà là sự kết nối toàn cầu. Cuộc cách mạng này liên quan mật thiết đến CNTT” - Phó Thủ tướng nói. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta chưa tận dụng được hết  thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và đây chính là những điều làm cho những người làm CNTT phải day dứt. Phó Thủ tưởng cho rằng, bên cạnh những hạn chế về chính sách, do doanh nghiệp Việt Nam yếu… thì một trong những lý do chính là lực lượng làm CNTT của Việt Nam còn rất mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Trong đó, có nguyên nhân quan trọng từ môi trường giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không tự nhiên đem lại cơ hội cho mọi người. Phó Thủ tướng nói: “Làm sao chúng ta phát triển CNTT phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi thế giới đã tắt mạng 2G rồi thì chúng ta mới bắt đầu khai trương 4G và chất lượng mạng 3G tốc độ vẫn chưa ổn định? Làm sao chúng ta nói về cách mạng công nghiệp 4.0 khi chính sách thuế, tài chính, doanh nghiệp vẫn chưa tạo điều kiện để phát triển một xã hội thông tin? Làm sao chúng ta tận dụng được cơ hội khi các chính sách về dịch vụ CNTT vẫn còn nhiều vướng mắc khiến những người trẻ sáng tạo phải đầu tư sang Singapore, Mỹ; khi các kỹ sư CNTT tốt nghiệp vào làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia, thậm chí vào FPT phải đào tạo lại cả 1 năm?”.

Trong điều kiện chưa hoàn thiện đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vào sự đam mê, dấn thân của sinh viên đối với lĩnh vực này.

Bàn về việc đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cho rằng, ngành giáo dục phải đào tạo như thế nào để người dân bình thường cũng có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Ngành CNTT đang phát triển, thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Cơ hội cực kỳ to lớn. Chúng ta phải có phương án đào tạo hợp lý, trong thời gian ngắn nhất để những người dân bình thường cũng có thể tham gia vào cuộc cách mạng này. Khi tham gia rồi thì chúng ta học cách biến đổi theo nó chứ không phải cứ ngồi trên ghế nhà trường nghiên cứu…” - ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.