Tìm hướng đi cho đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin

(ANTĐ) - Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành CNTT vốn được xác định là ngành mũi nhọn của nền kinh tế trong nước, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp bàn thảo về chất lượng và xu hướng đào tạo đội ngũ này.

Tìm hướng đi cho đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin

(ANTĐ) - Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành CNTT vốn được xác định là ngành mũi nhọn của nền kinh tế trong nước, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp bàn thảo về chất lượng và xu hướng đào tạo đội ngũ này.

Thiết kế phần mềm đòi hỏi nhiều kiến thức thực tế và kỹ năng sống
Thiết kế phần mềm đòi hỏi nhiều kiến thức thực tế và kỹ năng sống

Thiếu 200.000 nhân lực CNTT

Nhu cầu nhân lực thực tế của các doanh nghiệp lớn trong ngành CNTT được ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT đưa ra khá cụ thể như Công ty Intel cần tuyển khoảng 4.000 lao động, trong đó gần 1.000 kỹ sư chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, điện tử. Công ty  Renesas - một trong những công ty hàng đầu thế giới về thiết kế, sản xuất vi mạch của Nhật Bản cần tuyển khoảng 1.000 kỹ sư về thiết kế bán dẫn. Tập đoàn Hồng Hải - Đài Loan chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến điện thoại di động, linh kiện máy tính, viễn thông, điện tử tiêu dùng dự kiến trong 5 năm tới cần khoảng trên 50.000 lao động. Công ty Campal, một công ty chế tạo máy tính xách tay cũng thông báo cần tuyển 1.200 kỹ sư đưa đi đào tạo nước ngoài để về làm cán bộ chủ chốt...

Trước tình trạng nhu cầu nhân lực công nghiệp CNTT ngày càng tăng, Bộ GD-ĐT chủ trương tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT trong các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, mức tăng này chắc chắn chưa thể đáp ứng đủ về số lượng trước thực tế hàng loạt công ty, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư mới vào Việt Nam với nhu cầu nhân sự rất lớn. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhân lực CNTT là hơn 600.000 người nhưng khả năng đáp ứng chỉ đạt mức khoảng 400.000 người,              TS. Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết.

Điểm yếu vẫn là kỹ năng mềm

Theo TS. Nguyễn Thanh Tuyên, sinh viên ngành CNTT còn nhiều hạn chế về khả năng ngoại ngữ, khả năng mềm (khả năng trình bày, làm việc theo nhóm, cập nhật công nghệ mới); đặc biệt sinh viên mới ra trường còn thiếu kiến thức, khả năng tư duy và làm việc độc lập kém. Ông Lê Nguyên Bảo, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, ĐH Duy Tân, phần lớn sinh viên CNTT quá thiếu các kỹ năng khác ngoài kỹ năng chuyên môn.

Nói về các kỹ năng mà doanh nghiệp cần có của nhân lực CNTT, ông Võ Tấn Long - Tổng Giám đốc Công ty IBM Việt Nam cho rằng, mỗi vị trí công việc đòi hỏi các kinh nghiệm và kỹ năng cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, IBM mong muốn những yếu tố rất căn bản như: khả năng thích nghi, khả năng hướng tới khách hàng cũng như lấy khách hàng làm trung tâm, khả năng giao tiếp giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, quyết tâm theo đuổi mục tiêu, đam mê công việc, khả năng tự chịu trách nhiệm, năng lực làm việc theo nhóm và tính trung thực...

Mô hình tuyển sinh riêng cho ngành CNTT

Phản ánh thực tế đào tạo CNTT trong các trường, ông Quách Tuấn Ngọc cho biết sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp về CNTT đã có nhiều tiến bộ song còn có những hạn chế nên sinh viên vẫn thiếu kỹ năng thực hành và các kỹ năng xã hội cần thiết khác. Các cơ sở đào tạo thiếu thông tin từ tổ chức, doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm. Việc nghiên cứu, dự báo, phân tích nhu cầu lao động về CNTT ở cả cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương đều chưa được thực hiện. Đặc biệt, chưa có đổi mới các môn thi tuyển sinh cho ngành CNTT...

Ông Lê Nguyên Bảo đưa ra ý kiến, để CNTT Việt Nam bứt phá cần chuẩn hóa chương trình đào tạo và nội dung đào tạo, có những bước đột phá trong hợp tác và nhập khẩu chương trình và nội dung đào tạo của các trường ĐH tiến tiến hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, theo ông Bảo, việc thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập cũng là yếu tố quan trọng  góp phần đào tạo nhân lực CNTT toàn diện về kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.

Đây cũng là những đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Bộ GD-ĐT, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng chương trình chuẩn quốc gia chung về đào tạo CNTT đối với các trình độ ĐH, CĐ, TCCN, đặc biệt chú ý đến chuẩn đầu ra và tham khảo mạnh yếu tố nước ngoài. Ông Quách Tuấn Ngọc cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện tổng điều tra nhân lực CNTT để đánh giá về số lượng, chất lượng, loại hình, bằng cấp... Đặc biệt, việc tuyển sinh ngành CNTT, Điện tử - Viễn thông sẽ được áp dụng với mô hình mới đòi hỏi thi đầu vào 3 môn Toán, Lý và Ngoại ngữ.

Duy Anh