Mâu thuẫn từ việc dạy con

Thiệt thòi thuộc về những đứa trẻ

ANTĐ - Sinh con và nuôi dạy trưởng thành là phúc phận của mỗi người làm cha mẹ và những người thân. Tuy nhiên thực tế việc dạy con trong gia đình không hề đơn giản. Sự mâu thuẫn trong cách dạy dỗ trẻ giữa các thế hệ như ông bà và bố mẹ đang diễn ra phổ biến trong các gia đình ngày nay. Và kết cục là thiệt thòi luôn thuộc về những đứa trẻ. Vậy phải làm sao?
Thiệt thòi thuộc về những đứa trẻ ảnh 1
Cần thống nhất trong phương pháp nuôi dạy con. Ảnh minh họa


Mâu thuẫn từ gói bim bim

Mâu thuẫn đã trở thành phổ biến trong các gia đình ba thế hệ hiện nay, đặc biệt là các gia đình “tứ đại đồng đường”. Ở Việt Nam hiện nay không còn nhiều gia đình ba thế hệ, hay tứ đại đồng đường, phần lớn các cặp vợ chồng trẻ hiện nay thường có bố mẹ đến ở  cùng để giúp việc chăm sóc con cái. Cách sống của mỗi thế hệ khác nhau, quan niệm khác nhau, các kinh nghiệm nuôi dạy con cái cũng khác nhau, chính vì thế mâu thuẫn luôn tiềm ẩn và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Chị Nguyễn Thư Hoa, phường Giảng Võ, Ba Đình kể: Con tôi vốn lười ăn, đi học ở trường về nếu tôi đón thì kiên quyết không mua quà vặt vì muốn cháu vào đúng bữa ăn được nhiều hơn. Hôm nào bận việc về muộn, nhờ ông đón, thế nào nó cũng đòi mua bim bim. Ông chiều cháu, thấy con ăn uể oải là tôi biết ngay. Nhiều lần như vậy, lo lắng con bỏ bữa nên đã nhiều lần nói với ông nhưng không được. Đã có lúc không thể kìm nén được tôi đã phải “dũng cảm” nói với ông: “Nếu ông còn chiều cháu như vậy lần sau không dám nhờ đón cháu nữa”. Sau đó thì ông cũng không mua bim bim nữa nhưng tôi biết chắc chắn là ông giận. Và đó chỉ là câu chuyện rất nhỏ trong sự đối lập giữa cách dạy con của ông bà và bố mẹ.

Cùng cảnh với chị Hoa, chị Diệu Thúy ở phố Khâm Thiên cũng chia sẻ: Đến giờ con ăn, vừa bưng bát cháo lên thấy thằng cu lăn lộn giữa nhà đòi ăn bim bim, mẹ chồng cho cháu ăn luôn. Chị  giằng lấy và không cho cháu ăn vì đã đến giờ ăn bữa chính. Mẹ chồng nàng dâu vốn đã rất nhiều chuyện khó có thể hòa đồng, thấy cô con dâu có thái độ như vậy, bà mẹ chồng tối sầm mặt nói như mắng vào mặt: “Là tôi cho nó ăn đấy. Chị mắng thì mắng tôi đây này. Con mới bé nứt mắt ra mà suốt ngày bắt nó phải thế này, thế kia! Giờ không ăn cháo thì tí nữa ăn, có chết ai đâu”.

Chuyện không có hồi kết

Qua trao đổi với cô giáo mầm mon, anh Nguyễn Quốc Trường, phường Phương Liệt, quận Đống Đa được biết, dù là trẻ nhỏ, nhưng các con đang tập làm quen với màu sắc và tô màu các bức tranh và đề nghị gia đình hỗ trợ thêm cháu ở nhà. Mỗi buổi chiều, vợ chồng anh  dành thêm nửa giờ hướng dẫn con tập tô. Nhưng ông bố chồng xót cháu lại bảo: tô thì tô, không thì thôi, việc gì phải ép. Phận làm con anh chị không dám cãi mặc dù rất ấm ức trong lòng. Gia đình chị Nguyễn Thi Mai cũng vậy, bé chuẩn bị vào lớp 1. Chồng chị cũng không đồng tình với việc cho cháu học chữ quá sớm nên hai vợ chồng thường xuyên cãi cọ nhau. Thấy vậy, mẹ chồng lại ra sức bênh con trai nên nói rằng: “Chồng chị ngày xưa, có phải đi học thêm đâu, tôi dạy cả đấy mà mù chữ đâu, vẫn Thạc sỹ như ai”.

Những mâu thuẫn rất nhỏ, nhiều khi chỉ là lời ăn tiếng nói trong việc dạy dỗ con cái, nhưng càng ngày những mâu thuẫn đó càng tích tụ, thành ra chỉ vì thương con, thương cháu mà gia đình phát sinh mâu thuẫn. Chuyện con cá lá rau bỗng lại thành chuyện lớn. Đặc biệt là mâu thuẫn phát sinh từ mẹ chồng với nàng dâu.

PGS.TS Võ Thị Minh Chí - Viện Khoa học Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm đã minh họa sự mâu thuẫn giữa các thế hệ trong việc dạy dỗ con cái bằng một câu chuyện về một học sinh trường Tiểu học Cát Linh, một bé trai rất khôi ngô nhưng lại bị chậm phát triển trí tuệ ranh giới. Trí tuệ bình thường của đứa trẻ (chỉ số IQ) thường vào khoảng 100 cộng trừ 15, nếu trừ 15 sẽ là chậm phát triển ranh giới, còn trẻ thiểu năng trí tuệ là 70.

Khác với thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển ranh giới nếu được phát hiện và điều trị kịp thời và có phương pháp dạy phù hợp thì đứa trẻ vẫn tiếp thu được kiến thức như trẻ bình thường. Nhưng với phương pháp phải làm theo những động tác của cô giáo  là một hình thức tra tấn cháu và  không cho cháu học. Bố mẹ dù rất lo lắng với bệnh tật của con mình nhưng cũng không giải quyết được vấn đề. Cùng học với cậu bé này, các trẻ khác đã vượt hẳn lên, dễ dàng vào được chương trình bình thường khác, còn cậu bé này, học thì biết nhưng hôm sau gần như mất hết kiến thức.

Những ảnh hưởng đến đứa trẻ

PGS.TS Võ Thị Minh Chí cho biết: Trong gia đình nếu có một mâu thuẫn phát sinh, bộc lộ rõ khiến đứa trẻ dễ dàng nhận ra. Đứa trẻ nếu có bản lĩnh thì sẽ không bị ảnh hưởng và nó sẽ biết được nó phải làm như thế nào, bởi vì thường trẻ nhỏ mới bị ảnh hưởng tâm lý, còn trẻ lớn hơn nó đã hình thành ý thức và nhân cách thì không ảnh hưởng. Nhưng còn với những đứa trẻ không có bản lĩnh, mâu thuẫn này sẽ khiến chúng ngại việc, bởi chúng không tự tin để giải quyết công việc của chính mình. Cho nên chúng sẽ ngả theo hướng có lợi cho bản thân để không phải làm việc.

Hiện nay, bố mẹ rất khó khăn trong việc dạy con, trong khi đó, ông bà thường hay mang câu chuyện “ngày xưa” để áp dụng - “Ngày xưa tôi cũng dạy anh chị như vậy mà có làm sao đâu...” . Bố mẹ trẻ thì muốn dạy con theo phương pháp hiện đại, ông bà lại thường không cập nhật phương pháp hiện đại mà muốn dạy trẻ bằng những kinh nghiệm xưa cũ. Điều này dẫn đến một hệ quả là mâu thuẫn giữa ông bà - bố mẹ ngày càng tăng. Đặc biệt là mâu thuẫn mẹ chồng con dâu, mẹ vợ - con rể... Khi mâu thuẫn bộc lộ đứa trẻ đã biết nhận thức sẽ dễ dàng nhận thấy, vì nó nhìn qua những cuộc tranh cãi, bàn luận quyết liệt mang tính xung đột đi tìm chân lý của người lớn trong gia đình. Đứa trẻ sinh trưởng trong một gia đình như vậy chắc chắn sẽ không phát triển bình thường, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách  sau này của đứa trẻ, đặc biệt là trong các giai đoạn tiếp theo. Như vậy có thể thấy rõ rằng mâu thuẫn mang tính xung đột này nếu xuất hiện trong gia đình thì điều nguy hại đầu tiên là ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của  đứa trẻ. Ông bà lớn tuổi, rất bảo thủ và luôn giữ quan điểm của mình, bố mẹ nếu không biết cách dẫn dắt vấn đề theo chiều hướng tích cực sẽ rất thiệt thòi cho đứa trẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển ranh giới ở trẻ không phải là do bẩm sinh mà do giáo dục rất nhiều.

Nhiều năm nay, khi kinh tế phát triển mô hình ngôi nhà 3 thế hệ không còn là điển hình, mâu thuẫn thế hệ ít đi nhưng lại nảy sinh mâu thuẫn giữa bố và mẹ, ly hôn xuất hiện nhiều hơn, mâu thuẫn sang một biến tướng khác. Nhưng kiểu gì cũng vậy, đã có mâu thuẫn ở mức xung đột chắc chắn có ảnh hưởng đến đứa trẻ, không ảnh hưởng về nhân cách thì ảnh hưởng về trí tuệ. Vì vậy, các chuyên gia tâm lý khuyên mọi người hãy tự nghĩ, tự nhìn và điều chỉnh hành vi của chính mình để tránh mâu thuẫn vì những đứa trẻ, đó là cách duy nhất để giải quyết những mâu thuẫn trong việc dạy dỗ trẻ em.