Thay đổi tư duy trước

ANTĐ - Trả lời chất vấn trước các đại biểu Quốc hội và cử tri về việc lùi thời gian sửa đổi Luật Đất đai sang năm 2013, Bộ trưởng Tài nguyên môi trường nhấn mạnh, đất đai đang là vấn đề rất cấp bách, nhiều bức xúc và cũng là lĩnh vực rất phức tạp và nhạy cảm. Vì vậy để dự án luật này đảm bảo được chất lượng nên lùi thời gian sửa luật. Các vấn đề về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nếu sửa vào cuối năm nay sẽ cập rập thời gian không thể đảm bảo tính bền vững.

Một trong những vấn đề mà Hội nghị Trung ương V yêu cầu Chính phủ phải làm rõ là những vướng mắc đang tồn đọng quá lâu trong việc thu hồi đất. Theo ý kiến của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, trong thu hồi đất vướng mắc nhiều nhất vẫn là về giá. Vấn đề đặt ra là xác định giá trên cơ sở nào, phân cấp ra sao, Nhà nước có tiếp tục nắm khung giá hay không? Ông Bộ trưởng cho rằng, tới đây Nhà nước giữ khung giá, song cần nâng cao tính chính xác của khung giá.

Có thể bằng cách chia thành các cụm tỉnh trong 63 tỉnh, thành phố, thay vì như hiện nay quy định khung giá theo 3 vùng đồng bằng, trung du, miền núi. Hiện nay khung giá, bảng giá do Bộ Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm, nhưng giá cụ thể ở từng mảnh đất đền bù lại do Bộ Tài chính. Tốt nhất chỉ cần một cơ quan định giá độc lập nằm trong Bộ Tài chính là hợp lý. Vướng mắc lâu nay trong thu hồi đất lại chính là hình thức thu hồi. Ở nhiều nước, người ta tuân thủ một nguyên tắc nghiêm ngặt: Khi giá trị của đất tăng lên từ việc thực hiện dự án, thì người bị lấy đất cũng phải được hưởng phần giá trị gia tăng đó, chứ không phải chủ đầu tư dự án.

Theo phân tích của một chuyên gia, mặc dù Nhà nước đã thừa nhận trong Luật Đất đai, người dân bị thu hồi đất giao đất cho Nhà nước, thì nơi họ đến phải có các điều kiện vật chất và tinh thần tốt hơn trước. Thế nhưng, thực tế ở nhiều nơi, người có đất bị thu hồi hầu như buộc phải bán đất và tài sản trên đất. Hơn thế, họ còn buộc phải từ bỏ công ăn việc làm, rời bỏ họ hàng, làng xóm để đến một nơi hoàn toàn mới và bắt đầu từ con số không.

Một nghịch lý đã tồn tại khá lâu là khi một mảnh đất, khu đất bị thu hồi, giải tỏa, mở ra cơ hội làm ăn kinh doanh đầy triển vọng cho nhà đầu tư hoặc chủ dự án, thì người dân bị giải tỏa không chỉ bị xáo trộn cuộc sống, gia đình và nguồn sống, mà họ còn hứng chịu mọi thiệt thòi. Dường như sau khi giành được đất của người dân, bồi thường cho họ một cục tiền, bố trí một chỗ ở gọi là có, “tử tế” lắm thì hứa hẹn một chỗ làm việc chưa biết thế nào, nhà đầu tư, chủ dự án coi như phủi sạch trách nhiệm đối với những người bị mất đất. Phải chăng thời gian qua, trong nhiều trường hợp cũng như những vụ việc khiếu kiện về đất đai, những quyết định thu hồi đất, đền bù, giải tỏa thường thiên lệch theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, những người lắm tiền, nhiều của, trong khi bỏ quên những mất mát, “thiệt đơn, thiệt kép” của người dân bị thu hồi đất?

Suy cho cùng, đất đai là một trong số ít vấn đề phức tạp, rắc rối và nhạy cảm nhất. Cấp bách và bức xúc thật nhưng phải có thời gian chín muồi để sửa đổi căn cơ Luật Đất đai, song quan trọng hơn cả là phải thay đổi tư duy trong việc sử dụng đất đai là để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mang lại lợi ích tốt đẹp hơn cho từng con người, từng gia đình.