Thay đổi tư duy làm du lịch sau dịch Covid-19 với yếu tố mới, độc, lạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trải qua 1 năm khó khăn vì dịch bệnh, tương lai của du lịch Việt Nam thế nào đã được bàn thảo nhiều trong các diễn đàn tổ chức gần đây. Trong đó, cơ bản xác định, năm 2021 du lịch Việt Nam vẫn dựa vào thị trường nội địa là chủ yếu. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, xây dựng nhiều sản phẩm mới, hướng tới những tour độc, lạ để thu hút khách trong nước.
Sản phẩm du lịch cộng đồng, làng nghề cần được chú trọng phát triển hơn

Sản phẩm du lịch cộng đồng, làng nghề cần được chú trọng phát triển hơn

Vườn quốc gia Ba Vì - “cú hích” cho du lịch Hà Nội

Được thành lập từ năm 1991, Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì mặc dù có diện tích không lớn, chỉ gần 10 nghìn ha (chiếm khoảng 0,5% tổng diện tích rừng đặc dụng toàn quốc), nhưng với việc khai thác hợp lý tài nguyên du lịch, vườn được Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá là một trong những điểm sáng về kết hợp bảo tồn và phát triển trong hệ thống 164 khu bảo tồn, vườn quốc gia cả nước.

Do đã vận dụng thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường phù hợp, trong 10 năm qua (2011 - 2020), hoạt động du lịch của VQG Ba Vì đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng bình quân về du lịch đạt khoảng 25%/năm, trong 3 năm gần đây đã có xấp xỉ 400.000 lượt khách tới tham quan, du dịch và học tập, trong đó chủ yếu là khách nội địa (khu vực Hà Nội là 80%, các tỉnh khác chiếm 18.6%, khách quốc tế chiếm 1,4%). Vườn cũng là đơn vị đầu tiên trong hệ thống các vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.

Năm 2020, trước tình hình khó khăn trong bối cảnh chung, ngành du lịch, lữ hành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, VQG Ba Vì phải đóng cửa không đón khách trong 3 tháng. Tuy nhiên, do đơn vị đã định hướng lại mục tiêu, tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác nhóm khách nội địa truyền thống, từ định hình thương hiệu, tuyên truyền quảng bá đến phát triển các sản phẩm du lịch mới, do đó đã duy trì được lượng khách tham quan khá.

Kể từ sau dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch đang có một sự dịch chuyển xu hướng mới như: các nhóm bạn bè, gia đình nhỏ thường thích đến các khu hẻo lánh; các loại hình du lịch liên quan đến sức khỏe cũng được quan tâm hơn, như thiền, yoga, tắm khoáng… Thay vì đi các tour sang trọng, dài ngày, khách du lịch đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, siêu tiết kiệm, siêu khuyến mại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây.

Sau nhiều năm kiên trì xây dựng và quảng bá, VQG Ba Vì được nhiều người biết như một điểm đến vào mùa hoa dã quỳ nở và các sự kiện tâm linh tại khu di tích văn hóa đền thờ thánh Tản Viên và đền thờ Bác Hồ. Đây là một trong nhưng nội dung đang được vườn phát huy và củng cố theo thời gian. Với thế mạnh cảnh quan, phí tham quan rẻ, các hoạt động du lịch truyền thống vẫn là một nền tảng vững chắc để VQG Ba Vì triển khai các hoạt động về du lịch trong tương lai gần.

Từ năm 2019, dựa trên thế mạnh về diện tích hoa dã quỳ mọc hoang dã trong lâm phần được giao quản lý, VQG Ba Vì đã triển khai chương trình bay khinh khí cầu ngắm hoa dã quỳ. Sản phẩm du lịch mới thực sự đã tạo ra một “cú hích” về du lịch của vườn ngay khi lệnh cách ly do Covid-19 được dỡ bỏ.

Cùng với sự kiện khinh khí cầu, vườn đã lồng ghép chào bán 2 sản phẩm du lịch chiến lược, hình thành trên cơ sở tài nguyên du lịch đặc biệt là: Du lịch trải nghiệm thử thách đi rừng xuyên rừng ngẫu nhiên bằng thiết bị định vị (trekking chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp); Dã ngoại khám phá thiên nhiên cho học sinh, sinh viên. Hiện các hoạt động này đã và đang được triển khai có hiệu quả, được các nhóm khách thanh thiếu niên quan tâm, đặc biệt là các đối tượng khách tập leo núi trước khi trinh phục các tour du lịch mạo hiểm như khám khá hang động Sơn Đoòng, leo đỉnh Fansipan...

Các loại hình du lịch trải nghiệm đang được triển khai có hiệu quả

Các loại hình du lịch trải nghiệm đang được triển khai có hiệu quả

Cơ hội phát triển sản phẩm mới lạ và khác biệt

Ông Phùng Quang Thắng - Tổng Giám đốc Hanoitourist cho biết, kể từ sau dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch đang có một sự dịch chuyển xu hướng mới như: các nhóm bạn bè, gia đình nhỏ thường thích đến các khu hẻo lánh; các loại hình du lịch liên quan đến sức khỏe cũng được quan tâm hơn, như thiền, yoga, tắm khoáng… Thay vì đi các tour sang trọng, dài ngày, khách du lịch đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, siêu tiết kiệm, siêu khuyến mại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây.

Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, từ khi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam được khống chế, dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh ngày càng được quan tâm. Do vậy, cần tập trung tiếp tục ưu tiên cho phát triển sản phẩm này gắn với các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc, thiền dưỡng sinh, chữa bệnh... Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng sinh học, Việt Nam có lợi thế phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh, đảm bảo sự khai thác với quy mô nhỏ, tránh được những tác động về môi trường và xã hội. Các điểm du lịch sinh thái chưa khai thác hết tiềm năng hiện có như Ba Vì cần có sự quảng bá, xúc tiến, đầu tư hạ tầng đủ tiêu chuẩn khách du lịch sinh thái chữa bệnh. Đây là mô hình rất phát triển ở các nước.

Các điểm du lịch sinh thái chưa khai thác hết tiềm năng hiện có

Các điểm du lịch sinh thái chưa khai thác hết tiềm năng hiện có

Sản phẩm du lịch cộng đồng, làng nghề cũng cần được chú trọng phát triển nhiều hơn dựa trên giá trị văn hóa bản địa các vùng miền. Đây cũng là dòng sản phẩm hướng tới tăng cường các trải nghiệm của các nhóm du khách với quy mô nhỏ, tránh những nơi tập trung đông đúc và ồn ào.

Cùng với đó là các sản phẩm du lịch thể thao và giải trí. Các sản phẩm có thể là hoạt động đi bộ mạo hiểm, leo vách đá, đạp xe địa hình... hay dòng sản phẩm du lịch thông minh, du lịch sáng tạo thông qua tăng cường các trải nghiệm đa dạng bằng việc sử dụng các công nghệ số, thực tế ảo... cũng nên được coi là sản phẩm du lịch phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ông Phùng Quang Thắng cũng đặc biệt coi trọng các sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với các di tích lịch sử nổi tiếng của Hà Nội như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long... việc kết nối các sản phẩm chuyên đề tìm hiểu về văn hóa, khám phá các di tích lịch sử.