Tháo “điểm nghẽn” năng suất

ANTĐ - Báo cáo “Duy trì tăng trưởng của Việt Nam: thách thức về năng suất” của Công ty Tư vấn quốc tế McKensey vừa được công bố, đã đưa ra nhận định rằng, sau gần một phần tư thế kỷ tăng trưởng cao hàng đầu ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc, “con tàu” kinh tế Việt Nam đang giảm tốc. Nếu không tháo “điểm nghẽn” năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm xuống khoảng 4,5-5%/năm. Như vậy, đến năm 2020, để duy trì mức tăng trưởng GDP 7-8%, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn phải tăng năng suất toàn bộ nền kinh tế lên hơn 50% so với mức tăng hiện nay.

Trong những năm qua, sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, cũng như những thay đổi mang tính cấu trúc từ lĩnh vực nông nghiệp là động lực chủ yếu, tạo nên 2/3 tăng trưởng của nền kinh tế. Còn lại 1/3 tăng trưởng là sự cải thiện năng suất lao động trong các khu vực kinh tế. Trong vòng mười năm qua, năng suất lao động trong công nghiệp cao gấp 7 lần lĩnh vực nông nghiệp. Đóng góp của nông nghiệp vào GDP trong 10 năm qua giảm từ 40% xuống còn 20%.

Tuy vậy, theo bản báo cáo của McKensey, lợi thế tăng trưởng từ sự dịch chuyển lao động và cấu trúc kinh tế đang giảm dần. Việt Nam phải đối mặt trước thách thức phải gỡ được “điểm nghẽn” tăng năng suất lao động từ 4,1% hàng năm hiện nay lên mức 6,4%. Muốn đạt được điều này, Việt Nam cần phải xác định rõ những nguồn lực tăng trưởng mới để thay đổi những nguồn lực đã cạn kiệt. Bởi vì các doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm giữ những nguồn lực to lớn và chiếm khoảng 40% sản lượng quốc gia. Đổi mới sở hữu và cách quản lý các doanh nghiệp này đã trở nên cấp bách, cũng như cần cải thiện hiệu quả sử dụng vốn. Khuyến nghị hàng đầu của McKensey là Việt Nam phải ổn định kinh tế vĩ mô, một mục tiêu cũng đã được Chính phủ đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Có ba rủi ro phải vượt qua là sự bất ổn của hệ thống ngân hàng, rủi ro về thanh khoản trên thị trường vốn và rủi ro về dự trữ ngoại hối. Gốc rễ vấn đề là Việt Nam phải giải quyết được sự thiếu hụt về quản lý trong hệ thống tài chính cũng như tính minh bạch của hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, làm sao giải tỏa, tháo “điểm nghẽn” năng suất mới là thách thức lớn nhất.

Theo các tác giả bản báo cáo của McKensey, Việt Nam phải cải thiện tốt hai lĩnh vực quan trọng trong chỉ số cạnh tranh là cơ sở hạ tầng và giáo dục. Mặc dù nước ta đã tập trung nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhưng vẫn cần đầu tư hơn nữa vào những dự án có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế, gắn chặt những đầu tư này vào chiến lược phát triển và cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước. Tình trạng thiếu tay nghề lao động trình độ cao chứng tỏ một “lỗ hổng” lớn trong quản lý chất lượng giáo dục đào tạo. Vai trò của Nhà nước là phải tạo ra những chính sách riêng biệt cho một số ngành công nghiệp để khuyến khích tăng năng suất và tăng trưởng. Chẳng hạn như phát triển phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin sẽ củng cố được vị thế trong chuỗi giá trị gia tăng.

Từ những khuyến nghị trên, các chuyên gia của McKensey cho rằng, mô hình sản xuất sử dụng nhiều lao động, trả lương thấp mà nhiều công ty quá lạm dụng trong thời gian qua không mang lại thành công như trước. Bản thân các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng không còn dễ dàng được hưởng “bầu sữa” vốn ngân sách. Môi trường cạnh tranh sẽ thay đổi ngày càng khốc liệt hơn theo cơ chế thị trường. Vì thế, ngay từ bây giờ, nếu không nhanh chóng tháo “điểm nghẽn” năng suất thì mỗi tập đoàn, tổng công ty, mỗi doanh nghiệp sẽ “kéo” năng suất của cả nền kinh tế đi xuống.