Tháng 7 không chỉ có ngày rằm

ANTD.VN - Âm lịch là cách tính lịch của nhiều nước châu Á. Nó gắn liền với mùa màng canh tác của cư dân nông nghiệp. Tháng 7 âm lịch gắn với sự tích mưa Ngâu, cũng là một kinh nghiệm thời tiết được truyền đời từ hàng nghìn năm.

Mưa ngâu bắt nguồn từ chuyện cổ tích Ngưu Lang Chức Nữ. Anh chàng Ngưu Lang chăn trâu trên thiên đình thổi sáo rất hay khiến cô thợ dệt Chức Nữ mê mẩn phải lòng. Cuối cùng cả hai bỏ bê trách nhiệm để trâu ăn lúa và vải thì không dệt. Ngọc Hoàng bắt phạt đuổi hai người ra ở hai đầu sông Ngân mỗi năm chỉ cho gặp một lần vào ngày mùng 7 tháng 7. Gặp nhau là rớt nước mắt thành mưa xuống hạ giới gọi là mưa Ngâu. Câu chuyện hoàn toàn Việt Nam với chăn trâu thổi sáo và dệt vải là hai nghề cổ truyền quan trọng của người Việt. Thế nhưng nó đề cao lòng chung thủy cũng luôn là mơ ước của người Việt đã mấy nghìn năm.  

Rằm tháng 7 âm lịch là ngày lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật. Miền Nam thịnh hành làm lễ Vu Lan hơn miền Bắc. Chẳng hiểu sao lại thế? Nói về đức tính hiếu hạnh thì hai miền là như nhau. Và Phật giáo đã từng là quốc đạo từ thời Lý, Trần. 

Những năm chưa thống nhất ngay cả chùa chiền miền Bắc cũng ít khi làm lễ Vu Lan. Nhà dân lại càng không. Rằm tháng 7 phần lớn dân miền Bắc cúng cô hồn, gọi là ngày Xá tội vong nhân. Bắt nguồn từ truyền thuyết tháng 7 là tháng Diêm Vương mở cửa ngục cho hồn ma về nhà ăn Tết. Nhiều hồn ma không cửa nhà phải lang thang vất vưởng trên trần gian kiếm ăn bằng đồ cúng lễ. Cỗ cúng phải bày ngoài trời. Đồ cúng cũng có những quy định riêng biệt. Ngoài áo mũ và vàng mã ra còn phải có khoai luộc, bỏng ngô rời, bánh kẹo đã bóc bỏ vỏ, rượu trắng, gạo, muối và cháo thí. Nấu nồi cháo hoa múc ra bát hoặc cầu kỳ hơn thì đi hái lá đa về cuộn thành phễu cắm lên que tre vót nhỏ. Người cúng sẽ cắm vô số những phễu lá đa như thế trên đường làng và múc vào đấy một thìa cháo. Làm từ thiện với người âm cũng phiền hà cách rách chẳng khác gì trên trần. Chỉ hơn ở chỗ không phải báo cáo gì với chính quyền xã mà thôi.

Tháng 7 không chỉ có ngày rằm ảnh 2Ngày lễ Vu Lan bây giờ được tổ trọng ở khắp mọi nơi 

Thực ra cúng cô hồn không nhất thiết cố định vào ngày rằm tháng 7. Cả tháng muốn cúng lúc nào cũng được. Đằng nào thì cả tháng 7 Diêm Vương cũng cho cô hồn về trần ăn Tết cả. Cúng rải rác cả tháng có khi cô hồn còn được vài bữa no nê.

Miền Nam cúng cô hồn rôm rả cỗ bàn hơn. Đại khái người ta sẽ cúng cô hồn cả lợn sữa quay, gà luộc cả con, xôi nếp, hoa quả, tiền lẻ… Nhưng lại sinh ra phong tục “Giật đồ cúng cô hồn”. Có lẽ đây là hành vi “cướp giật” duy nhất được hoan nghênh. Người cúng mong sao cho đồ cúng của mình bị giật nhiều nhất mới hên. Cho nên chưa tàn nén hương nhiều nơi chỉ còn cái mâm không. Thậm chí đang dở bài khấn cũng có người mang vợt đến giật. Công cụ giật đồ cúng cô hồn là cái vợt chẳng biết có từ bao giờ nhưng xem ra có vẻ rất “chuyên nghiệp”.

Ngày lễ Vu Lan chỉ cúng vào rằm tháng 7. Giờ thì các ngôi chùa miền Bắc và nhất là Hà Nội đâu đâu cũng thấy cờ phướn cắm khắp quanh chùa vào ngày Vu Lan báo hiếu. Sự tích hai miền về ngày Vu Lan thống nhất chỉ có một mà thôi. Đó là câu chuyện Tôn Giả Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Bà mẹ Mục Kiền Liên nhiều kiếp trước là người tham lam độc ác bị đày xuống địa ngục trở thành ngạ quỷ vô cùng khổ sở đói ăn. Tôn Giả mang cơm xuống cho ăn nhưng hễ cứ đưa cơm lên miệng thì lại hóa thành than hồng không thể ăn được. Về sau Phật tổ dạy cho cách làm cơm cúng mời chư tăng đến lập trai đàn cầu nguyện vào ngày rằm tháng 7 thì mới cứu được mẹ. Câu chuyện mang nặng giáo lý nhà Phật dạy người ta phải biết ơn đấng sinh thành dù rằng người ấy lúc sống có nhiều khuyết điểm. 

Đã có vài ca sĩ nhạc sến và không sến hiện đại cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Tôn Giả Mục Kiền Liên. Nhưng cái đau khổ của các anh các chị lại hoàn toàn tại thế mà chẳng có địa ngục nào cả. Hẳn là họ cũng thuộc nằm lòng sự tích Vu Lan báo hiếu. Nhưng dù có hiếu thảo đến mấy cũng không lại được với lũ côn đồ đòi nợ thuê. Chỉ còn cách lên Facebook than thân trách phận mà thôi.

Tháng 7 là tháng cô hồn theo cách gọi dân dã. Người ta không làm việc lớn mà nên giữ mình đề phòng tai vạ. Ốm đau, bệnh tật, tai nạn, mất mát hay xảy ra vào tháng này. Kinh nghiệm dân gian này cũng truyền trong tâm thức người dân cả nước. Ngoại trừ những năm quyết liệt bài trừ mê tín dị đoan ở miền Bắc có loãng đi ít nhiều. Giờ thì lại được khôi phục vì chẳng có luật nào cấm người ta đề phòng bệnh tật, tai nạn cả.

Ngày lễ Vu Lan bây giờ được tổ chức long trọng trên cả nước vì Phật tử hình như cũng đông hơn trước rất nhiều. Thế nhưng tình trạng bạc đãi, hành hạ phụ huynh của con cái bất hiếu cũng tăng lên đáng kể. Nhiều cụ ông, cụ bà đã phải chọn nhà dưỡng lão làm nơi thường trú khi có những đứa con như vậy.

Tháng 9-2017