Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió"

ANTD.VN - Tôi đến thăm nhà của bà Margaret vào một buổi chiều mùa thu 2016, mưa lạnh. Nhưng dù bầu trời u ám, con đường Peachtree và khung cảnh xung quanh dẫn đến ngôi nhà vẫn hiện ra đầy kiêu hãnh, đẹp đẽ, hệt như gương mặt đầy cá tính của nàng Scarlet hay niềm tự hào mà cuốn tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió" đã mang lại cho thành phố Atlanta.

Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió" ảnh 1

Dù bầu trời thu u ám, con đường Peachtree dẫn vào nhà của bà Margaret vẫn hiện ra lãng mạn, đẹp đẽ

Ngôi nhà nằm trên con đường tên Peachtree, thuộc khu Midtown. Con đường này nổi tiếng với những khu nhà danh giá. Nổi tiếng đến mức về sau Atlanta (Georgia, Hoa Kỳ) cho ra đời hàng loạt những ngõ, khu phố , đường mang tên Peachtree. Ngôi nhà nơi bà Margaret hoàn thành 90% cuốn truyện nằm giữa phố, thực ra là 1 khu căn hộ. Bà và chồng ở căn hộ số 1. Đây là người chồng thứ 2.

Bà vốn làm nhà báo. Năm 1926, bà bị tai nạn vỡ mắt cá chân, không đi lại được, bác sĩ bắt phải nằm tĩnh dưỡng không đi đâu cả suốt mấy tháng trời. Chồng bà mượn rất nhiều sách trong thư viện cho bà đọc. Rồi đến khi không còn gì để đọc, ông mua cho bà cái máy chữ để bà tự viết sách.

Khi bà viết cuốn tiểu thuyết này thì cuộc nội chiến Bắc- Nam của Mỹ đã kết thúc từ lâu. Nhưng quá khứ đấy con ám ảnh người dân miền Nam hàng ngày, trong từng câu chuyện được kể lại, trong những di tích tàn phá còn rơi vãi khắp Atlanta, trong những bức hình của những ông chú, bác từng đi lính, tham trận .

Trong bối cảnh đó, bà viết say mê. Những chi tiết trong truyện phần lớn được viết ra từ đời thực. Ngay cả chi tiết khi nàng Scarlett không kịp về lúc mẹ mất cũng là sự phản ánh điều tương tự trong cuộc đời của nữ văn sĩ.

Có đến hàng trăm trang bản thảo nhưng ban đầu bà giấu ở khắp các ngóc ngách trong nhà: gầm giường, ngăn tủ, hộc bàn. Thời đó, cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, vẫn còn nhiều định kiến về vai trò của người phụ nữ. Nếu về sau không có sự khuyến khích động viên của 1 người bạn gái thì sẽ không bao giờ nhân loại có được tuyệt tác "Cuốn theo chiều gió".

Còn rất nhiều tranh cãi về tác phẩm này như việc bà phản ánh đời sống người nô lệ da đen không chân thực. Nhưng tác phẩm và bản thân bà Mitchell đã để lại nhiều điều kỳ diệu không thể phai tàn- câu chuyện tình yêu, lịch sử cuộc nội chiến.... Nhưng hơn hết thảy là chân dung cuộc chiến về sự sinh tồn - sự không bao giờ gục ngã của con người trước định mệnh và gian khó. Bà cũng để lại một quỹ học bổng mang tên bà dành cho những người da đen theo học ngành y.

Đồ đạc trong căn hộ không phải vật dụng 2 vợ chồng đã sử dụng, chỉ là sự sắp đặt của những đồ đạc tiêu biểu vào thời bà còn sống.

Ngôi nhà của bà vừa bước vào là thấy sự ấm áp: Từ ngọn đèn đặt ngay cửa vào đến góc cửa sổ tầng 1 nơi bà cho ra đời những trang bản thảo. Rồi sự ấm áp đặc trưng của người miền Nam được cảm nhận từ những nhân viên và hướng dẫn viên trong bảo tàng. Ngoài sự ấm áp là cái gì đó thật đẹp: từ góc ban công tầng 2 những xuống con đường Peachtree đến những bức họa tuyệt vời về phục trang, chân dung, buổi lễ ra mắt phim tại Atlanta.

Tôi ra về mà vẫn ấn tượng với tất cả những gì chuyến thăm nhà bà để lại- đẹp đẽ, lãng mạn, ấm áp, kiêu sa, đài các mà dung dị.

Chùm ảnh:

Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió" ảnh 3

Căn nhà nhìn từ bờ rào

Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió" ảnh 4

Cây cột đèn thắp sáng ngay từ cửa vào

Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió" ảnh 5

Tác giả thăm căn nhà của nữ văn sĩ

Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió" ảnh 6

Những vật dụng mang tính biểu trưng một thời

Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió" ảnh 7

Thăm ngôi nhà của Margaret Mitchell- tác giả "Cuốn theo chiều gió" ảnh 8

Khu vực bán đồ lưu niệm