Thảm họa nguy hiểm nhất trong lịch sử của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Anh Rishi Sunak mới đây đã lên tiếng xin lỗi các nạn nhân và cho biết, việc công bố báo cáo điều tra vụ bê bối sử dụng máu nhiễm bệnh trong hệ thống y tế hàng chục năm trước đánh dấu “một ngày đáng xấu hổ đối với Nhà nước Anh”.
Các nạn nhân vụ bê bối truyền máu nhiễm bệnh ở Anh từ những năm 1970 sẽ nhận được bồi thường trong năm nay

Các nạn nhân vụ bê bối truyền máu nhiễm bệnh ở Anh từ những năm 1970 sẽ nhận được bồi thường trong năm nay

Năm 1985, Derek Martindale, 23 tuổi được thông báo rằng, ông bị nhiễm HIV và chỉ còn sống được 12 tháng. Ông may mắn sống sót nhưng người anh trai tên Richard, cũng nhiễm virus HIV thì không. Derek Martindale chỉ là một trong hơn 30.000 người Anh bị nhiễm HIV và viêm gan C qua các phương pháp điều trị máu tại Cơ quan Y tế Quốc gia Anh trong những năm 1970 và 1980; trong đó khoảng 3.000 người đã thiệt mạng. Ông cũng là nhân chứng đầu tiên tại cuộc điều tra công khai về vụ bê bối máu nhiễm bệnh, được tiến hành sau nhiều thập kỷ trì hoãn vào năm 2017. Và vào ngày 20-5-2024, ông đã có mặt tại một trung tâm hội nghị ở trung tâm London để nghe ông Brian Langstaff - người đứng đầu cuộc điều tra, trình bày báo cáo cuối cùng của mình.

Theo đó, chính quyền và cơ quan y tế công cộng của Anh đã cố tình khiến hàng chục nghìn bệnh nhân bị nhiễm virus chết người thông qua máu và các sản phẩm máu bị ô nhiễm, đồng thời che giấu sự thật về thảm họa trong nhiều thập kỷ. Ngoài 3.000 người thiệt mạng, nhiều người khác phải chịu đựng bệnh tật suốt đời sau khi nhận máu hoặc các sản phẩm máu bị nhiễm HIV hoặc viêm gan vào những năm 1970 đến đầu những năm 1990. Vụ bê bối này được nhiều người coi là thảm họa nguy hiểm nhất trong lịch sử của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh kể từ khi thành lập vào năm 1948.

Vào những năm 1970, bệnh nhân bị bệnh về máu ở Anh được áp dụng một phương pháp điều trị mới du nhập từ Mỹ. Đó là sử dụng huyết tương từ những người hiến tặng để tạo ra các sản phẩm máu mới. Tuy nhiên, huyết tương được pha trộn từ hàng nghìn người hiến máu, nên một người hiến tặng bị nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến cả lô. Báo cáo cho biết, khoảng 1.250 người bị rối loạn đông máu, trong đó có 380 trẻ em, đã bị nhiễm các sản phẩm máu nhiễm HIV. Ba phần tư trong số họ đã chết. Có tới 5.000 người khác nhận được các sản phẩm máu này đã phát triển bệnh viêm gan C mãn tính, một loại nhiễm trùng gan. Trong khi đó, ước tính có khoảng 26.800 người khác cũng bị nhiễm viêm gan C sau khi được truyền máu trong bệnh viện do sinh con, phẫu thuật hoặc tai nạn.

Cựu thẩm phán Brian Langstaff, người chủ trì cuộc điều tra cho biết, nhà chức trách ở Anh đã không đảm bảo việc lựa chọn người hiến máu và sàng lọc các sản phẩm máu một cách nghiêm ngặt. Theo báo cáo, tại một trường học dành cho trẻ em mắc bệnh máu khó đông, các em còn được áp dụng phương pháp điều trị “nhiều rủi ro hơn”. Khi mọi người được phát hiện nhiễm bệnh, cơ quan chức năng đã trì hoãn việc thông báo cho họ về những gì đã xảy ra.

Các nhà vận động đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ để đưa những sai phạm này chính thức ra ánh sáng và đảm bảo Chính phủ được bồi thường. Cuộc điều tra cuối cùng đã được phê duyệt vào năm 2017 và trong 4 năm qua, nó đã xem xét bằng chứng từ hơn 5.000 nhân chứng và hơn 100.000 tài liệu. “Báo cáo ngày hôm nay cho thấy sự suy thoái đạo đức kéo dài hàng thập kỷ trong trung tâm đời sống quốc gia của chúng ta”, Thủ tướng Anh nhấn mạnh và cam kết sẽ “sửa chữa sai lầm lịch sử này”. Được biết, gói bồi thường dự kiến tổng trị giá 10 tỷ bảng Anh.

Diana Johnson, một nhà lập pháp từ lâu đã vận động cho các nạn nhân, cho biết bà hy vọng những người chịu trách nhiệm về thảm họa sẽ phải đối mặt với công lý - bao gồm cả việc truy tố - mặc dù các cuộc điều tra đã kéo dài quá lâu đến nỗi một số nhân vật chủ chốt có thể đã chết. “Họ phải có trách nhiệm giải trình cho những việc đã làm, ngay cả khi nó đã xảy ra cách đây 30, 40, 50 năm”, bà Diana Johnson khẳng định.