Tết Việt Nam xưa qua góc nhìn của các học giả phương Tây và Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với cuốn sách "Tết Việt Nam xưa" vừa ra mắt, bạn đọc sẽ được tìm hiểu về các nghi thức trong ngày lễ trọng của người Việt và đời sống tinh thần một thời đã qua. Điều đặc biệt, việc dẫn dắt bạn đọc bước vào thế giới ngày Tết cổ truyền lại là các học giả phương Tây và một số học giả Việt Nam.

Những góc nhìn khác nhau về tết Việt xưa, chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc bộ và cung đình Huế, qua trang viết của những học giả trong và ngoài nước đăng trên Tạp chí Đông Dương (Indochine) trước năm 1945 được dịch và giới thiệu tới độc giả trong cuốn sách Tết Việt Nam xưa (MaiHaBooks và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành) vừa mới ra mắt.

Lễ Tết là một trong những phong tục tiêu biểu nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Các ngày lễ Tết được phân bố trải đều trong năm và xen kẽ các khoảng trống trong lịch mùa vụ.

Trong đó, Tết nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất. Và đặc trưng quan trọng nhất của Tết nguyên đán chính là nếp sống cộng đồng. Tết truyền thống của người Việt gồm hai phần: cúng tổ tiên (lễ) và ăn uống bù trừ cho những ngày làm lụng vất vả của mùa vụ (tết).

Nhằm cung cấp cho quý độc giả thêm một góc nhìn về Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi bài viết trong cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” đã được lựa chọn kỹ lưỡng trong Tạp chí Đông Dương (Indochine), một tuần san tiếng Pháp của Hội Alexandre de Rhodes.

Với chất lượng, sự sâu sắc và tinh tế của mỗi bài viết, cho đến nay, Indochine là một tài liệu tham khảo hữu ích và nhiều nội dung trong đó vẫn truyền tải được “hơi thở đương đại”.

Cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” được tuyển dịch kỹ lưỡng, mở đầu với bài nghiên cứu sâu sắc, như một tổng quan về Tết cổ truyền Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Huyên. Tiếp đó, độc giả sẽ bước vào hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm “tâm hồn Việt Nam” trong sự khắc họa uyên bác, tinh tế, gần gũi mà sống động của các học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh…

Tết Việt đã hiện lên đầy màu sắc trong tâm cảm của người Việt, cũng như con mắt khác lạ của các du khách, nhà truyền giáo nước ngoài, dưới nhãn quan của nhà sử học Pháp và Việt Nam. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn khác của cuốn sách “Tết Việt Nam xưa” đó là các bài viết được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết ngộ nghĩnh, sống động, nhiều tranh vẽ phong cách mỹ thuật dân gian đặc sắc. Điều này mang đến cảm giác thư thái, thích thú của độc giả khi cầm, đọc và thưởng thức những áng văn nhẹ nhàng và tinh tế trong cuốn sách.