Tệ nạn mại dâm: Xử nặng kẻ kinh doanh

ANTĐ - Ngày 2-11, Cục phòng, chống Tệ nạn xã hội (TNXH) - Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, áp dụng Nghị quyết 24 của Quốc hội khóa XIII, Cục này đã hướng dẫn các địa phương chính thức thực hiện thả toàn bộ gái bán dâm đang được quản lý tại các trung tâm giáo dưỡng kể từ ngày 2-7 vừa qua, chứ không đợi đến 1-7-2013 khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực.

Cần những biện pháp cụ thể để giúp gái mại dâm tái hòa nhập cộng đồng

(Trong ảnh: Những cô gái lầm lỡ được học nghề thêu tại một trung tâm giáo dục lao động số 2, Ba Vì, Hà Nội)

Hỗ trợ gái bán dâm theo yêu cầu

Theo thống kê của Cục phòng, chống TNXH, hiện cả nước có 35 trung tâm giáo dưỡng- phục hồi nhân phẩm có quản lý gái bán dâm. Trong đó, có 3 trung tâm chuyên biệt chữa bệnh - giáo dục gái bán dâm, với tổng số gái bán dâm đang được quản lý tại các cơ sở này trước thời điểm 2-7-2012 là hơn 800 người. Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống TNXH cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực vào giữa năm 2013 quy định: "Không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm. Người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật". Vì thế, Cục đã áp dụng theo Nghị quyết 24 của Quốc hội khóa XIII, hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục thả gái bán dâm trong các cơ sở giáo dưỡng chính thức từ ngày 2-7-2012, tức thời điểm Luật được công bố.

Hiện tại, nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, đối tượng gái bán dâm được quản lý trong các cơ sở giáo dưỡng đã được làm thủ tục để thả. Cơ quan chức năng đã thành lập tổ công tác, phối hợp với Hội phụ nữ vào trung tâm để gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt nguyện vọng của gái bán dâm trước khi thả, nhằm tư vấn và định hướng cho họ khi trở về cộng đồng. Đồng thời với việc tiến hành thủ tục thả, các cơ chế chính sách, cũng đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ cho gái bán dâm có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhanh chóng hòa nhập, giảm sự kỳ thị của cộng đồng. 

Bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống TNXH cho biết, hiện nhiều địa phương đang xây dựng đề án lập các trung tâm hỗ trợ cho những phụ nữ bán dâm khi trở về cộng đồng sẽ là nơi để họ có thể cư trú tạm thời nếu có nhu cầu, để ổn định tâm lý, sức khỏe, liên hệ với gia đình. Ngoài ra, các địa phương cũng sẽ chủ động có giải pháp hỗ trợ cho gái bán dâm như giới thiệu, tạo việc làm, xây dựng mô hình chăm sóc y tế, khám sức khỏe, lồng ghép với công tác phòng, chống HIV…

Phức tạp nạn mại dâm trá hình

Cục phòng, chống TNXH đánh giá, tệ nạn mại dâm vẫn diễn ra phức tạp, tồn tại ở cả các tụ điểm mại dâm công cộng và trá hình trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, các tổ kiểm tra về lĩnh vực này trên cả nước đã phát hiện 8.360 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm hoạt động mại dâm… Cũng vì thế, rất nhiều người lo ngại, việc thả gái bán dâm sẽ khiến tình hình mại dâm phức tạp thêm, thậm chí nguy cơ bùng phát nạn mại dâm có thể trở lại.

Ông Lê Đức Hiền cho biết, việc giúp đỡ chị em, những người có nguy cơ cao rơi vào cảnh ngộ bán dâm cũng như hỗ trợ và quản lý họ tại cộng đồng mới thực sự là giải pháp hiệu quả nhất. Ông Hiền lấy ví dụ, qua tiếp xúc tìm hiểu, nhiều gái bán dâm thẳng thắn thừa nhận rằng ngay cả khi có quy định bắt gái bán dâm vào trung tâm giáo dưỡng thì họ cũng vẫn hành nghề, chỉ có điều phải hành nghề cẩn trọng hơn bằng cách làm việc dưới sự “bảo kê” của các cá nhân, các cơ sở hoạt động mại dâm trá hình. Do làm việc có “bảo kê” nên họ bị hành xác, bị bóc lột nhiều hơn, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Phải chăng khi không bắt buộc vào các trung tâm mà chỉ xử phạt hành chính, họ sẽ biết bảo vệ mình hơn, không bị bạo hành và biết đâu sẽ hoạt động ít hơn để dành thời gian làm thêm công việc khác.

Ông Hiền nhấn mạnh, thả gái bán dâm không phải là thả cho nạn mại dâm gia tăng mà là tăng cơ hội cho họ được hòa nhập cộng đồng, thay đổi cuộc sống tốt hơn dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của cả cộng đồng. Cùng đó, phải tăng cường quản chặt loại hình này trong xã hội. “Ở đây, phải quản chặt, xử lý mạnh những chủ chứa, những cơ sở mại dâm trá hình, những đối tượng kinh doanh trên thể xác người khác, chứ không phải ưu tiên “đánh mạnh” người bán dâm. Thực tế, đa phần người bán dâm không muốn hành nghề này và họ rơi vào con đường này là do bị lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo” – ông Hiền chia sẻ.