Tấu hài trên sân khấu cải lương

(ANTĐ) - Sau gần hai tháng miệt mài tập dượt, các nghệ sỹ đến từ Đoàn biểu diễn I, Nhà hát Cải lương Trung ương chuẩn bị “cho ra lò” chùm tiểu phẩm hài kịch mới. Vẫn với kịch bản được chuyển thể từ những truyện ngắn của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan và dưới bàn tay “phù phép” của NSND Lê Hùng, tiếng cười chuốt ra từ các làn điệu Nam ai, văn thiên tường, hát lòn... một lần nữa sẽ khuấy động sân khấu Thủ đô.

Tấu hài trên sân khấu cải lương

(ANTĐ) - Sau gần hai tháng miệt mài tập dượt, các nghệ sỹ đến từ Đoàn biểu diễn I, Nhà hát Cải lương Trung ương chuẩn bị “cho ra lò” chùm tiểu phẩm hài kịch mới. Vẫn với kịch bản được chuyển thể từ những truyện ngắn của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan và dưới bàn tay “phù phép” của NSND Lê Hùng, tiếng cười chuốt ra từ các làn điệu Nam ai, văn thiên tường, hát lòn... một lần nữa sẽ khuấy động sân khấu Thủ đô.

Từ Lê Hùng “chơi” cải lương...

Thông tin về cuộc tái ngộ của vị đạo diễn tài hoa Lê Hùng với sân khấu cải lương đã khiến nhiều người tò mò về sự ra mắt của chương trình hài lần này, mặc dù đây không phải lần đầu tiên ông “chơi” cải lương. Trước đó ông đã từng bắt tay với Nhà hát Cải lương Trung ương dựng hai chương trình hài “Những chuyện đời thường” (2003) và “Việc làng” (2007). Vốn mê mẩn với dòng văn học hiện thực phê phán, lại thích tìm sự chua chát từ trong tiếng cười, Lê Hùng quyết định tung hứng chùm tiểu phẩm bằng bốn truyện ngắn nổi tiếng của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan: Vợ, Mất ví, Chuyện chó chết, Bán lợn. Mỗi câu chuyện là một bức tranh sinh động vừa hài vừa bi, thấm đượm tiếng cười dân gian lại vừa mang hơi thở của nhịp sống đương đại. Qua đó toát lên cái nhìn khúc chiết về cách ứng xử cũng như các mối quan hệ giao đãi trong gia đình.

Một chàng rể nghèo nợ bố vợ 5 đồng mãi không trả được, ông bố vợ cũng nợ đầm đìa nên đòi con gái về gán cho người khác, đến khi anh chàng vay được tiền thì vợ mình đã thành... vợ người (Vợ). Gia đình quan huyện nọ vì muốn đuổi khéo ông cậu về quê mà bày ra chuyện mất ví rồi nghi ngờ người trên kẻ dưới (Mất ví). Hay như chuyện anh chàng thèm ăn thịt chó nhưng sợ vợ không cho, đành nghĩ kế lừa cậu quý tử con nhà quan huyện bắn chết con chó nhà mình để được thể mở tiệc mời khách quý (Chuyện chó chết)... 

Chùm hài kịch “Việc làng” từng gây tiếng vang năm 2007

Chùm hài kịch “Việc làng” từng gây tiếng vang năm 2007

Cười đấy mà thấm đau, chứ không ồ lên hềch hệch rồi trôi tuồn tuột. Thế mới là cái chất của Nguyễn Công Hoan, thế mới là cái gu riêng của Lê Hùng, quả đúng không lẫn vào đâu được. Như lời vị đạo diễn có tài biến hóa khôn lường này tâm sự: “Cười người trượt vỏ chuối ngã thì dễ, nhưng tôi hướng đến cái cười ý nghĩa là cười cái thằng ném vỏ chuối khiến người khác trượt ngã rồi cuối cùng lại cũng bị ngã kia!”.

...Đến các nghệ sỹ cải lương “chơi” hài

Xuyên suốt cả bốn tiểu phẩm hài sẽ có những thân phận rất đỗi bình dị mà người xem đã vô tình hay hữu ý bắt gặp đâu đó bên ngoài cuộc sống đời thường, thậm chí cả bóng dáng mình thấp thoáng trong đó. Thú vị ở chỗ, những làn điệu cải lương tân thời vốn được xem là dễ dàng chiêu nạp cái mới sẽ được các nghệ sỹ thỏa thuê tung hứng và xướng lên rất ngọt, rất mùi mẫn: từ ca vọng cổ, đến bộ Nam, bộ Oán, điệu Nam ai...

Còn phục trang theo lối phong kiến xưa cũng được xem là chăm chút đến từng miếng vá, vết khâu sao cho lột tả chân thực và khiến khán giả... xao xuyến nhất. Êkíp tham gia dàn dựng chùm tiểu phẩm lần này vẫn là sự góp mặt của hai ngòi bút sắc sảo quen thuộc: chuyển thể kịch bản Bùi Minh Vũ và chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi.

Ngoài ra, sự tái xuất của cặp đôi gạo cội NSƯT Minh Thành - NSƯT Vương Hà bên cạnh dàn diễn viên trẻ: Hoàng Tùng, Viết Sơn, Đức Hảo, Lệ Hằng, Bích Nhật, Thiên Kiều... cũng tạo nên cuộc “đổ bộ” đáng gờm của các cây cải lương khi tấu hài trên sân khấu. NSƯT Minh Thành sau một thời gian dài đảm trách công tác quản lý cũng háo hức “xung trận” với vai trò trợ lý đạo diễn kiêm diễn viên... trẻ. Quả thực nhìn anh như thể trẻ ra đến cả chục tuổi khi phô phang sức vóc, hì hụi tập giọng trên sân khấu và sẵn sàng hóa thân thành chàng rể trẻ, gọi một diễn viên ít tuổi hơn là bố (tiểu phẩm “Vợ”).

Dựng cải lương hài vốn dĩ không phải quá xa lạ, song hãy còn khá hiếm hoi đối với sân khấu phía Bắc. Bởi phải làm sao để có chất ca kịch đậm đặc mà vẫn không bị lẫn sang kịch nói, để tiếng cười tự nhiên thốt ra và những giọt nước mắt tự dưng lăn dài trên má không phải chuyện đơn giản. Khó đủ bề, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ viết kịch bản, diễn viên kế thừa... và đặc biệt là phải có được bàn tay “phù phép” của một đạo diễn tài ba, có duyên với hài. Âu đây cũng là lý do giải thích cho lần tái ngộ muộn mằn thứ 3 liên tiếp này giữa Nhà hát Cải lương Trung ương với đạo diễn Lê Hùng.

Tuy vậy, vị đạo diễn ngoại đạo này cũng thổ lộ việc xắn tay sang sân khấu cải lương còn là cơ hội để ông thực hiện ao ước được dựng chùm kịch ngắn của hai nhà văn hiện thực phê phán mà ông ngưỡng mộ: Nam Cao và Nguyễn Công Hoan. Cũng bởi vậy trong thời gian tới nếu còn tiếp tục hợp tác cùng Nhà hát Cải lương Trung ương đưa hài lên sân khấu, Lê Hùng cũng không giấu giếm thiện chí “lấy đúng giá quy định của Nhà nước, thậm chí dựng 4 vở nhưng sẽ chỉ nhận tiền thù lao 3 vở mà thôi”.

Mọi thứ đã được sửa soạn và chỉ chờ đến ngày vén màn chọc cười công chúng vào cuối tháng 7 tới. 

Bích Hậu