Theo số liệu thống kê, năm 2013, người dân Việt Nam đã tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia, được “xếp hạng” thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Đó là chưa thống kê nước tiêu thụ rượu các loại. Trong khi đó, so với dân số cũng như thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam đều kém xa nhiều nước. Một số chuyên gia tính toán, mỗi năm tiêu thụ 3 tỷ lít bia, bình quân giá một lít khoảng 1 USD, thì mỗi năm những “sâu bia” ngốn hết 3 tỷ USD. Số tiền này gấp ba lần giá trị gạo xuất khẩu của nước ta mỗi năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người năm 2013 mới đạt 1.960 USD. Sức tiêu thụ thuốc lá ở nước ta cũng không… thua kém bia, mỗi năm đều tăng. Năm 2010 tiêu thụ 3,986 tỷ bao, năm 2011 tiêu thụ 4,131 tỷ bao và năm 2012 lên tới 4,174 tỷ bao. Tính giá bình quân mỗi bao thuốc 0,5 USD, thì mỗi năm người dân “đốt” hơn 2 tỷ USD.
Theo Bộ Y tế, một phần tư dân số nước ta sử dụng thuốc lá, dẫn đến hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2013 xảy ra 29.381 vụ TNGT, làm chết 9.369 người, bị thương 29.500 người. Hơn 60% số vụ TNGT là do người điều khiển uống rượu bia. Hàng chục nghìn người bị bệnh, thương vong có nguyên nhân từ dùng thuốc lá, rượu bia, thì số tiền chi trả để chữa bệnh, điều trị thương tích, chắc chắn cũng tốn thêm vài tỷ USD quả là một khoản tiền lãng phí quá lớn. Hệ lụy và hậu quả đã quá rõ, song nếu chỉ tăng thuế từ 10-20% liệu có tác dụng giảm mạnh sức tiêu thụ rượu bia, thuốc lá hiện nay? Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu đề xuất trên được áp dụng, dự kiến thu ngân sách từ bia năm 2016 tăng 7.800 tỷ đồng, năm 2017 là 9.000 tỷ đồng.
Tương tự, số thu từ thuốc lá cho ngân sách năm 2016 khoảng 2.930 tỷ đồng, năm 2017: 3.300 tỷ đồng. Rõ ràng, số tiền thu từ sắc thuế này đóng góp cho ngân sách nhà nước là đáng kể. Tuy vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt hai mặt hàng này, bởi vì mục tiêu cuối cùng là nhằm hạn chế người tiêu dùng. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực cho thấy, những mặt hàng này hiện chịu mức thuế rất cao, chẳng hạn với thuốc lá, Thái Lan, Myanmar, Singapore áp thuế suất từ 87-100%, trong khi Việt Nam chỉ là 65%.
Có thể nói, chưa có đề xuất tăng thuế nào lập tức được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận như dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia và thuốc lá. Thậm chí, có ý kiến Quốc hội nên nhanh chóng xem xét, sớm thông qua dự thảo luật này, nên tăng thuế mạnh hơn và không nên đợi đến năm 2015.