Tăng chi phí - giảm chất lượng

ANTĐ - Tình trạng cử nhân đại học không đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng, cũng như không tìm được chỗ đứng trong các ngành nghề khác phải ngậm ngùi chấp nhận công việc chân tay đơn giản đang là những cảnh báo rõ nhất cho sự đi xuống của đào tạo đại học trong nước. Hầu hết các trường đại học đang phải loay hoay với bài toán kinh phí thay vì chất lượng.

Một nghịch lý được đại diện Bộ Tài chính phân tích trong giáo dục đại học hiện nay là trong khi ngân sách nhà nước chi cho đầu sinh viên tăng dần thì suất đảm bảo chi phí đào tạo bình quân trên thực tế lại “chuyển động theo chiều hướng ngược lại”. Dẫn chứng về nhận định này, đại diện Bộ Tài chính đưa ra mức phân bổ ngân sách nhà nước năm 1998 là 5,2 triệu đồng/ sinh viên thì đến năm 2010 là 7,15 triệu đồng/sinh viên/năm. Tuy nhiên, thông tin được Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010 đưa ra cho biết phần lớn các cơ sở giáo dục đại học công lập đều không đảm bảo mức phân bổ ngân sách nhà nước nói trên và một số trường chỉ đạt mức 3 triệu đồng/sinh viên/ năm, dưới  50% mức phân bổ ngân sách nhà nước.

 Không phải các trường không muốn đầu tư chất lượng đào tạo mà là “lực bất tòng tâm” vì mức thu học phí thấp, thu không đủ bù chi. Muốn tăng nguồn thu các trường đều phải mở rộng đào tạo cả chính quy và không chính quy, vượt năng lực đào tạo cả về giáo viên, cơ sở vật chất… Tốc độ mở rộng này nhanh hơn tốc độ tăng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Điều này dẫn tới định mức phân bổ chi ngân sách trên đầu sinh viên phải giảm để chia sẻ cho những đối tượng mở rộng ngoài ngân sách. Cùng với việc chia sẻ mức chi ngân sách, sinh viên phải chia sẻ tất cả, từ không gian, điều kiện học tập, nghiên cứu đến giáo trình, giảng viên…

Đi theo hướng này, nhìn tổng quan sẽ thấy các trường thì cố gắng tăng nguồn thu cho chi phí đào tạo, nhà nước cũng đảm bảo ngân sách chi cho giáo dục tăng nhưng xét điểm cuối thì suất đầu tư cho đầu sinh viên lại giảm, kéo theo chất lượng đào tạo đi xuống. Thay đổi về cơ chế cấp định mức ngân sách cũng như cơ chế xác định mức học phí theo kiểu cào bằng, bình quân như hiện nay là việc cần làm để giúp giáo dục đại học trong nước sớm điều chỉnh theo hướng chất lượng thay vì số lượng.