Tạm trú 2 năm được nhập khẩu nội thành

ANTĐ - Chiều qua, 20-6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Theo đó, sẽ nâng điều kiện thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào các quận nội thành. Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). 

Tạm trú 2 năm được nhập khẩu nội thành ảnh 1
Tình trạng tăng dân số tại các thành phố tạo sức ép lớn về các vấn đề xã hội
(Trong ảnh: Một gia đình công nhân thuê trọ dài hạn tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Hà Nội)


Sổ tạm trú thời hạn 24 tháng

Theo tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định nâng điều kiện thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật Cư trú hiện hành. Có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định điều kiện thời hạn đăng ký tạm trú để tránh phiền hà cho người dân.

Luật Cư trú hiện hành quy định công dân có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố từ 1 năm trở lên thì được đăng ký thường trú. Trên thực tế cho thấy, quy định điều kiện 1 năm tạm trú là quá ngắn. Mặt khác, tình trạng tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng cao, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, dẫn đến việc quản lý trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, UBTVQH thấy rằng, quy định thời gian tạm trú 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp. Quy định này góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại các thành phố này, làm chậm tốc độ tăng dân số cơ học vào nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, giảm sức ép về các vấn đề xã hội và cơ sở hạ tầng cho các địa phương. 

Về thời hạn của sổ tạm trú, UBTVQH cho biết, nhiều ý kiến đồng ý với quy định của dự thảo Luật là sổ tạm trú có thời hạn tối đa 24 tháng. Có ý kiến đề nghị giảm thời hạn là 12 tháng hoặc quy định thời hạn do người dân tự đăng ký. UBTVQH nhận thấy, Luật Cư trú hiện hành không quy định thời hạn của sổ tạm trú nên có nhiều trường hợp đã chuyển đến chỗ ở mới mà không bị xóa tên trong sổ tạm trú và khi đến chỗ ở mới lại xin cấp sổ tạm trú khác, dẫn đến tình trạng một người có nhiều sổ tạm trú. Nếu một người mỗi lần thay đổi nơi tạm trú lại lập sổ tạm trú mới thì rất tốn kém và rất khó khăn trong công tác quản lý cư trú. 

Để tăng cường công tác quản lý của Nhà nước và nâng cao trách nhiệm của công dân, Luật quy định sổ tạm trú cấp cho công dân có thời hạn tối đa là 24 tháng, khi hết thời hạn tạm trú mà người được cấp sổ tạm trú vẫn tiếp tục tạm trú thì trong thời hạn 30 ngày trước khi hết thời hạn tạm trú, công dân mang sổ tạm trú đó đến cơ quan Công an để làm thủ tục gia hạn. Quy định thời hạn của sổ tạm trú tối đa là 24 tháng cũng phù hợp với quy định điều kiện về thời hạn tạm trú để được đăng ký thường trú vào nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương. 

Xóa nạn quân xanh, quân đỏ

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) nói: “Đấu thầu qua mạng có nhiều ưu điểm vượt trội, giảm sự tiếp xúc trực tiếp và khả năng chạy thầu, giảm tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu, nhưng đòi hỏi tính bảo mật rất cao. Hạ tầng công nghệ thông tin của chúng ta đã đáp ứng được ngay chưa, hay phải chuẩn bị từng bước”. Đây cũng là quan điểm được ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chia sẻ. 

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, sửa Luật Đấu thầu phải giải quyết được hai vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, là nạn thông thầu. Đây là mối nguy rất lớn, dẫn tới hành vi rút ruột công trình. Ông nói: “Cần quy định một điều khoản rất rõ trong luật về những hành vi liên quan thông thầu. Cứ 3 đối tượng đồng lõa tham gia (chủ đầu tư, nhà thầu và người chấm thầu) là cấu thành tội phạm, không phải đợi hậu quả diễn ra như thế nào”.

ĐB Trần Du Lịch phản ánh, đấu thầu hiện nay quá nặng về vấn đề giá cả, mà xem nhẹ yếu tố khác, thành ra có tình trạng nhiều công trình dùng giá rẻ để thâu tóm và kéo dài thời gian bằng mọi cách. “Đây là lỗ hổng. Phần này nên quy định một cách linh hoạt, trong nhiều trường hợp vấn đề thời gian là quan trọng hơn. Như vậy còn hạn chế được việc dùng giá để thâu tóm rồi bán thầu kéo dài thời gian” – ĐB Trần Du Lịch nói.