Tài và đức

ANTĐ - Công ty nơi Andrew làm việc làm ăn thua lỗ, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, không có khả năng trả lương cho các kỹ sư và công nhân, vì vậy Andrew phải đi tìm công việc khác.

Là trụ cột trong gia đình, Andrew rất lo lắng, anh chạy đôn đáo khắp nơi để nộp hồ sơ ứng tuyển. Khi được một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn đang tuyển dụng kỹ sư hẹn lịch tới làm bài kiểm tra, Andrew đã rất vui mừng và kỳ vọng mình sẽ được tuyển dụng.

Ngày hẹn làm bài kiểm tra đã tới, Andrew cùng hơn 100 kỹ sư phải trải qua 3 bài kiểm tra: bài kiểm tra về chuyên môn, ngoại ngữ và bài kiểm tra viết theo yêu cầu. Andrew rất tự tin về chuyên môn và ngoại ngữ của mình, anh nhanh chóng vượt qua 2 bài kiểm tra đầu tiên. Đến bài kiểm tra cuối cùng, Andrew rất bất ngờ khi nhận được đề bài: Bí quyết kinh doanh và bí mật kỹ thuật của công ty cũ của bạn là gì? Andrew thừ người suy nghĩ: “Câu hỏi này quá dễ với mình nhưng công ty cũ đang trong giai đoạn rất khó khăn, Ban giám đốc phải chật vật lắm mới giữ được không phải đóng cửa, nếu giờ mình nói ra bí quyết kinh doanh và bí mật kỹ thuật của họ thì họ sẽ quỵ mất, mình không thể vì cuộc sống của mình mà khiến nhiều người khác khốn khổ được”. Nghĩ vậy nên Andrew quyết định viết vào phần trả lời: Tôi không thể tiết lộ được và nộp bài ra về.

Andrew hiểu rằng anh đã chẳng còn hy vọng được làm việc ở đây nhưng anh không hối hận về quyết định của mình, anh lại tiếp tục đi nộp hồ sơ tìm việc.

Một tuần sau, Andrew ngỡ ngàng khi nhận được thư thông báo tuyển dụng anh vào vị trí kỹ sư phụ trách kỹ thuật của Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng. Nghĩ lại và anh đã hiểu ra bài thi cuối cùng chính là bài kiểm tra về đạo đức của các ứng viên. Một kỹ sư dù có tài giỏi tới đâu mà không có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng bán rẻ nơi mình đã từng làm việc thì cũng chỉ là người bỏ đi. 

Một công ty có phát triển lớn mạnh và bền vững hay không là do đội ngũ nhân viên có tài và có cả đức.