Tái cấu trúc kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm

ANTĐ -“Theo tôi, năm 2012 cần tập trung vào một số điểm đột phá...

Đầu tư cho công nghiệp và công nghiệp phụ trợ là cách làm đúng đắn để duy trì tăng trưởng

Thứ nhất là đột phá trong 3 trọng tâm tái cấu trúc mà hội nghị Trung ương 3 đã khẳng định là: Tái cấu trúc đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn và các tổng công ty; tái cấu trúc hệ thống tài chính mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính. Đây là hướng ưu tiên và cần hành động ngay vì nằm trong tầm tay của Chính phủ, nằm trong khả năng quản trị và tạo điều kiện để thúc đẩy tái cấu trúc khác.

Thứ hai là cần chuyển mạnh đầu tư cho nông nghiệp, công nghiệp nhỏ và công nghiệp phụ trợ như là một trong những điểm mới và quan trọng để tạo việc làm, duy trì nhịp độ tăng trưởng cũng như tạo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này rất quan trọng bởi kết quả năm 2011 cho thấy, nông nghiệp phát triển tốt mặc dù đầu tư chưa tốt lắm. Nông nghiệp đã chứng tỏ nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển trong khi công nghiệp và một số hoạt động làng nghề sa sút.

Ba là thực hiện việc chống những cú sốc kinh tế. Đây là một điểm quan trọng bởi năm 2011 có đến 5 cú sốc kinh tế mạnh là: điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh giá xăng dầu, điện, than,... nợ khó đòi, vỡ tín dụng đen, sự căng thẳng của các thị trường, doanh nghiệp dừng hoạt động và giãn nợ cũng như liên quan tới giá không minh bạch của các ngành. Vấn đề này phải xử lý để không lặp lại, bởi nếu lặp lại năm 2012 tạo hệ quả xấu hơn rất nhiều so với 2011.

Thứ tư là đột phá đối ngoại trên tinh thần điều chỉnh lại hướng thu hút đầu tư nước ngoài. Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phụ trợ và tái cấu trúc theo Nghị quyết Trung ương 3 đã nêu. Định hướng xuyên suốt cho những đột phá này là quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Trung ương 3: không được tư duy nhiệm kỳ, không để lợi ích nhóm chi phối và phải nhìn theo chiến lược dài hạn, dưới sự tổ chức, giám sát, định hướng của Nhà nước. Đồng thời cần chống lại rủi ro liên quan tới tái cấu trúc, gồm rủi ro liên quan tới thất nghiệp, nợ để tái cấu trúc, xử lý những dự án sẽ đầu tư và những dự án mới đầu tư để tránh lãng phí. Cần đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện tái cấu trúc theo định hướng chung có kiểm soát, kiểm tra”.