Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:

Sự lựa chọn... “ăn may”

ANTĐ - Hiếm ai như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, tỏ ra thích thú khi người khác bảo mình… “khùng”, thậm chí còn tự nhận: “có khi khùng lại hay hơn”. 
Sự lựa chọn... “ăn may”  ảnh 1

Một thời… gàn dở

Riêng với giới trong nghề và khán giả, tên gọi “Dũng khùng” được mặc định như thương hiệu riêng gắn liền với tên tuổi vị đạo diễn trẻ tài ba, có điều không phải ai cũng biết về gốc gác của biệt danh độc đáo này. Nhớ lại, cậu con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng bảo khi tốt nghiệp lớp đạo diễn trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, anh có cơ hội vào làm trong các hãng phim Nhà nước hơn bạn bè cùng trang lứa vì nhiều người biết và quý mến cha mình. Song anh vẫn quyết định xách balô lên đường ra Bắc thử tự mình chìm nổi với nghề.

Ngày ấy, có không ít người bảo anh vừa “khùng” vừa ngông nhưng anh chỉ mỉm cười im lặng. Ra Bắc, anh nhận làm đủ thứ từ quay clip ca nhạc đến quay phim quảng cáo - những việc mà bấy giờ vẫn chưa mấy thịnh hành và cũng chưa mấy ai làm. Vậy nên nhìn vào cách làm chẳng giống ai của anh, không ít người bảo anh có suy nghĩ… không bình thường. Người ta bảo anh “khùng”. Anh cũng tự nhận mình “khùng” và sung sướng gán cho mình cái tên “Dũng khùng” để dễ phân biệt với nhiều đạo diễn và người bạn làm nghề cùng tên khác ở ngoài Hà Nội. Đến giờ ngẫm lại, anh bảo cái tên đó rất đúng với suy nghĩ và cả những hành động gàn dở và cực đoan một thời của mình. Cái tên “Dũng khùng” vì thế ra đời và gắn bó với anh từ bấy đến nay.

Được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc

Có cha là nhà văn nổi tiếng lại giao du rộng nên từ nhỏ Nguyễn Quang Dũng đã thường xuyên được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ tiếng tăm, trong đó có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những buổi giao lưu đọc thơ, ca hát và chuyện trò rôm rả của cha cùng các bậc tiền bối đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ của anh. Mới lên năm, anh đã ôm cây đàn Mandolin được cha mua tặng  vừa đi vừa ngẫu hứng nghêu ngao hát vang khắp xóm, có khi chỉ là vài câu hát ngô nghê mà anh “tự chế”. Trong đó có câu mà anh hay được mọi người yêu cầu hát đi hát lại nhiều nhất là: “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng, con sang chơi nhà bạn, con cầm cây đàn con hát, hát cho mẹ về với con”. Mấy câu ngẫu hứng này còn được anh trai của Dũng cẩn thận ghi lại cho khỏi quên. Sau đó có dịp nghe anh líu lo mấy câu có vần điệu như thơ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn liền sáng tác luôn thành ca khúc thiếu nhi “Mẹ đi vắng”.

Bài hát này sau đó được các em nhỏ hát vang khắp nơi, thậm chí còn được in lên báo và có tiền nhuận bút. Số tiền nhuận bút khi đó được 70 đồng, trong đó phần lời bài hát được 35 đồng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa lại hết cho anh và mẹ anh đã dùng số tiền đó mua giày cho hai anh em. Vậy là anh vinh dự trở thành số ít những người được làm đồng tác giả với ca khúc của cố nhạc sĩ họ Trịnh. 

Sau này cũng chính vị nhạc sĩ gạo cội là người giới thiệu anh học thêm về nhạc lý. Song cũng bởi tật… phát âm ngọng nên anh chẳng bao giờ xướng âm được trọn vẹn cả 7 nốt nhạc và dần dà từ bỏ ý định đi theo con đường âm nhạc. Anh bảo, với âm nhạc, anh thấy mình chỉ có năng khiếu lúc bé và sau đó nó không phát triển xa hơn được. Dù vậy sau này thỉnh thoảng anh vẫn viết nhạc mà gần đây là ca khúc nhạc phim dành tặng người bạn thân - đạo diễn Vũ Ngọc Đãng khi xem bản dựng bộ phim “Hot boy nổi loạn”. 

Mối duyên tình cờ 

Nguyễn Quang Dũng có nhiều tài lẻ. Từ nhỏ anh đã sớm bộc lộ khả năng chơi bóng bàn cừ khôi giống cha mình, thậm chí còn được chọn vào đội năng khiếu và gặt hái không ít giải với môn thể thao này. Có điều dáng vóc khiêm tốn, thể lực lại yếu nên không lâu sau anh cũng… giải nghệ để chọn cho mình con đường đi khác. Con đường đó với anh bây giờ chính là điện ảnh. Nhưng dường như đó cũng là sự lựa chọn “ăn may” khi anh phải đứng trước rất nhiều ngã rẽ mà băn khoăn không biết phải đi theo hướng nào. Anh tự nhận mình học… dốt nhất nhà, đặc biệt dốt nhất là môn Văn mặc dù là con trai của nhà văn hẳn hoi, mà lý do một phần cũng bởi anh vừa đãng trí lại vừa hay viết sai chính tả. Có lần khi được hỏi về một tác phẩm văn học, anh còn mạnh dạn phát biểu rằng thấy bài này chẳng hay gì cả, đơn giản vì nó… dài và khó nhớ quá!

Cũng bởi lẽ đó mà anh trở thành mối lo của cha khi ông không hình dung nổi sau này cậu con trai của mình sẽ theo học nghề gì. Còn anh thì băn khoăn giữa hai ý định, hoặc là học nhạc, hoặc là theo điện ảnh. Có lần anh cũng đem băn khoăn này ra xin ý kiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và được ông khuyên nên theo điện ảnh bởi nếu theo điện ảnh rồi vẫn có thể học thêm được nhạc ở bên ngoài. Trong một lần ngồi ăn cơm cùng cha mình, đúng lúc trên tivi đang chiếu bộ phim “Cánh đồng hoang” do cha anh viết kịch bản, anh nói vu vơ: “Sau này ba viết kịch bản, còn con làm đạo diễn”. Cũng bởi câu nói đó, anh liều đăng ký thi vào trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, bắt đầu “mối duyên” không ngờ với môn nghệ thuật thứ Bảy và gắn bó với nó cho đến tận bây giờ.