- NSƯT Xuân Bắc: Kiếm tiền để mua sữa cho con và son cho vợ!
- NSƯT Thanh Loan: Từng vào chùa để học làm "ni cô Huyền Trang"
- Ca sĩ Mỹ Linh: Mong đủ sức để giữ được trái tim nóng hổi

Thương thay hai tiếng ca trù
Thời của Bạch Vân, ca trù vẫn còn bị xã hội nhìn nhận với định kiến gay gắt. Ca trù chưa được gọi là ca trù, mà nhắc đến loại hình nghệ thuật này, người ta nghĩ đến những “xóm cô đầu”, những “nhà thổ” ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở… Những cô đào bị vu cho là những kẻ lẳng lơ, lúng liếng, “ăn trên ngồi trốc”, chỉ mua vui cho những người có tiền. Cùng với sự biến mất của các đình, đền…, không gian của ca trù, loại hình nghệ thuật vốn được coi là sang trọng, được các triều đại phong kiến ưa chuộng, tiếc thay lại bị liệt vào hàng mê tín dị đoan và bỗng chốc rơi xuống đáy của xã hội.
Số phận của các cô đào cũng trở nên lận đận, hẩm hiu đến nỗi nhiều người phải bỏ nghề, tha hương. Số khác về quê làm ruộng. Người thì đốt đàn, đốt phách, thậm chí tìm đến cái chết. Dư luận nặng nề, dè bỉu khiến cho các đào kép không còn đất diễn. Họ mặc cảm với quá khứ, kiên quyết không quay lại với nghề. Bởi thế, thời ấy để tìm được một người tâm huyết gạt bỏ điều tiếng không hay để truyền dạy nghề cho lớp trẻ chẳng phải dễ.
Ấy thế mà, cô sinh viên Bạch Vân của trường Âm nhạc Việt Nam (sau là trường Đại học Văn Hóa) lại rũ bỏ tất cả dấn thân vào nghiệp ca trù. Từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… cứ nghe ở đâu còn một nghệ nhân hát ca trù là chị tìm đến. Đã có lần 9h đêm, chị phóng xe máy một mạch từ Hà Nội về tận Hải Phòng, bỏ cả ăn uống để tìm gặp một nghệ nhân đã ngoài 90 tuổi. Chị bảo, nghệ nhân trong giới ca trù đều là những người thất thập cổ lai hy, tuổi cao sức yếu. Nói rủi, chẳng may có mệnh hệ gì, thì lấy ai truyền lại vốn quý của dân tộc.
NSƯT Bạch Vân từng là học trò của nhiều bậc thầy trong làng ca trù như cụ Quách Thị Hồ, cụ Chu Văn Du, cụ Nguyễn Thị Phúc, cụ Phó Thị Kim Đức, cụ Phạm Thị Mùi… Để “tầm sư học đạo” và thuyết phục những bậc tiền bối quay trở lại với nghề không phải đơn giản. Chị phải đi đến “mòn đường chết cỏ”, nài nỉ, xin ăn ở tại nhà các nghệ nhân hàng năm trời để thuyết phục họ trao truyền bí kíp nghề. Đam mê là thế, say nghề là thế nhưng không phải lúc nào tấm lòng của chị cũng được đền đáp. Về đất Lỗ Khê - cái nôi của nghệ thuật ca trù, Bạch Vân năm lần bảy lượt tìm gặp, thuyết phục cụ Phạm Thị Mùi nhưng cụ đều từ chối. Cụ nói: “Tôi thì hát hò gì đâu. Tôi chỉ “hát” mấy sào ruộng, “hát” gánh hàng xén nuôi chồng thôi”. Nhưng sự thoái thác ấy không khiến cho chị nản lòng.
Chị đến gặp cụ Phó Thị Kim Đức - đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên nổi tiếng đất kinh kỳ. Mất tới 3 năm trời cụ thử thách lòng kiên nhẫn của chị. Có những hôm chị bỏ ăn, nhịn đói chầu chực ở nhà cụ tới đêm khuya mới về. Hà Nội lúc ấy làm gì có đèn, cứ hun hút qua những nghĩa địa. Đường sá khó đi, có hôm chị lao phải một vũng nước ướt sũng người. “Nhiều hôm 1 giờ sáng về đến nhà ăn tạm cái bánh mì, nuốt đến đâu nước mắt cứ trào ra đến đấy. Vì mệt, vì thấy mình khổ quá, tôi nghĩ, thôi hay bỏ tất cả đi. Ấy thế mà sáng hôm sau tỉnh dậy lại tươi tỉnh, lại muốn gặp các thầy để học lấy chút nghề” - chị tâm sự.
5 năm, chị được truyền lại vỏn vẹn 2 bài. Vất vả, nhọc nhằn thế nhưng chị không hối hận vì mình theo ca trù, vì “nó là cái duyên nghiệp buộc lấy tôi rồi”. Đến nỗi mà khi người ta không cho chị làm ca trù, chị đã phản kháng cực đoan bằng cách toan tự tử. Nếu nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát có câu “Sinh vì nghệ, tử vì nghệ, nếu phải chết để bảo vệ lấy một tiếng phách tre, một tiếng đàn bầu, phải đâu không có người dám chết”, thì ngẫm lại, trường hợp Bạch Vân đúng là như vậy.
Vực dậy cả một nền ca trù, chắc không ai nghĩ một nghệ sỹ như NSƯT Bạch Vân lại đang sống trong ngôi nhà tồi tàn đến vậy. Gọi là nhà, nhưng tổ ấm của chị như một căn gác lửng với đủ thứ vật dụng, quần áo, tủ tường, bếp núc, chai lọ lỉnh kỉnh…, tất cả đều bày ra trước mắt. Nhưng chị chẳng nề hà chuyện ấy. Những ngày cuối năm, trong khi nhà nhà, người người tất bật lo sắm sửa Tết thì chị xuề xòa, nhà có từng đây thứ, có gì đâu mà phải bày vẽ.
Căn nhà nhỏ giờ có chị và cô cháu gái hàng ngày cơm nước đỡ đần. Thế cũng là may mắn lắm rồi, bởi chị cứ đi đi về về suốt, tuổi già chị còn chẳng nghĩ đến nữa là lo lắng đến nhu cầu thiết thân khác. Nhưng vài năm nay, chị cảm nhận được sức khỏe của mình không còn như trước. Năm 2012, khi bộ phim “Trò đời” khởi quay có mời chị hát ca khúc trong phim. Nhận lời được 1 ngày thì chị bị sốt, phải đưa vào viện cấp cứu.
Thấy không gượng dậy nổi, chị xin phép đoàn làm phim cho xin rút. Tuy nhiên, ekip làm phim và phó đạo diễn Bùi Thọ Thịnh nhất quyết chờ bằng được chị chứ không thay thế ai khác. Chưa kịp hồi phục, Bạch Vân ra trường quay, mặc kệ tình trạng xơ xác, tiều tụy mà ai nhìn cũng thấy thương. Khi ấy chị chỉ còn ngót bốn chục cân. Cũng may, nhờ sự quyết tâm phi thường, chị không những hoàn thành vai trò cố vấn nghệ thuật mà còn thể hiện xuất sắc ca khúc cuối phim, gây được ấn tượng với công chúng.
Cuối tháng 2-2015, NSƯT Bạch Vân lại gặp một tai nạn điếng người khác. Khi đang chở một người bạn từ Hải Dương lên Hà Nội để kịp buổi diễn ở đình Kim Ngân, chị bị cướp giật túi xách và ngã văng ra đường, tưởng không đứng dậy nổi. Nghĩ đến khán giả đang chờ, chị cố nén đau rồi cứ thế đi diễn. Tuy nhiên, khi lên đến cầu thang chị không gắng gượng được nữa, buổi diễn đành dời lại. Chị vào viện, được chỉ định bó cố định cột sống ít nhất 3 tháng. Nhưng chưa được mươi ngày, chị lại trốn lên sân khấu, giới thiệu ca trù cho một nhóm sinh viên nước ngoài. Dạy hát, giao lưu, trình diễn xong, khán giả về hết cũng là lúc nước mắt trào ra vì đau buốt đến tận xương tủy. Cứ thế, nó thành cái tật hành hạ chị khi trái nắng trở trời.
Tự nhận là người không thức thời
Hơn 30 năm cống hiến cho nghệ thuật, sự tưởng thưởng đối với những nỗ lực phi thường của Bạch Vân không chỉ là danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú mà còn là giá trị của nghệ thuật ca trù đã được UNESCO công nhận vào năm 2009. Nhưng mấy ai biết có công lớn của ca nương Bạch Vân. Không chỉ giúp hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO, chị còn là người sáng lập ra CLB ca trù đầu tiên của Hà Nội, vận động các nghệ nhân đã từ bỏ nghề quay trở lại… Ca trù trở thành di sản, ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của nó rõ ràng được nâng cao. Nhiều nơi đã phục dựng lại ca trù, loại hình nghệ thuật truyền thống lại được xướng lên trong các lễ hội, trên sân khấu, dưới mái đình…
Còn Bạch Vân cũng chẳng mong gì cho mình. Chị tự nhận mình là người không thức thời, cứ mải miết theo đuổi cái truyền thống mà không biết làm thế nào để làm giàu từ nó. Bởi thế, năm mới, chị chỉ có một mong muốn giản dị, là CLB ca trù Hà Nội của chị có điểm biểu diễn để anh chị em nghệ sỹ phục vụ công chúng, để có thêm chi phí trả tiền thù lao, giúp đỡ nghệ sỹ. Thế là chị cũng đỡ lo đi bội phần…