“Sóng thần” đói nghèo

ANTĐ - Giá lương thực thế giới tăng cao kỷ lục như “cơn sóng thần lặng lẽ” đẩy những người nghèo khó ở các nước đang phát triển, đặc biệt tại khu vực Sừng châu Phi vào tình cảnh khốn cùng. 

Nạn đói khủng khiếp đang hoành hành ở Somalia

Đây là nhận định mà Cơ quan Giám sát giá lương thực thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 15-8. Thực tế từ cuối năm ngoái đến nay, giá lương thực trên thị trường quốc tế tăng mạnh vượt mức đỉnh của năm khủng hoảng 2008, khi giá lương thực tăng gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng. Trong tháng 7 vừa qua, giá lương thực ở mức cao hơn tới 33% so với một năm trước do giá cả thị trường ngũ cốc không ngừng leo thang. 

Suốt 3 tháng qua, cả thế giới đau lòng khi phải chứng kiến thảm cảnh khủng hoảng nhân đạo được cho là nghiêm trọng nhất tại vùng Sừng châu Phi trong vòng nửa thế kỷ qua, khi ít nhất 29 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi ở Somali tử vong và khoảng 600 nghìn em khác trong khu vực có nguy cơ cận kề cái chết, suy nhược thể chất hoặc tinh thần do nạn đói. Đó có thể coi là bằng chứng rõ nhất về tác động khủng khiếp mà nạn thiếu lương thực do giá cả tăng cao gây ra.

Nhưng tác động của “cơn sóng thần” này chưa dừng lại ở đó. Ủy ban LHQ về Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, giá lương thực thế giới tăng cao đã ngăn cản gần 20 triệu người ở khu vực này thoát khỏi đói nghèo trong năm 2010. Và nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sẽ có thêm khoảng 42 triệu người nữa lâm vào cảnh đói nghèo. LHQ đã cảnh báo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xoá đói giảm nghèo ở nhiều nước có thể chậm 5 năm so với thời hạn chót là năm 2015, nếu giá lương thực tăng cao, thậm chí còn làm chệch hướng phục hồi kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua.

Người ta có thể đổ lỗi cho thực trạng đáng ngại này do các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên và thời tiết diễn biến bất thường, bất ổn chính trị và chiến tranh. Tuy nhiên, nguyên nhân chính làm giá lương thực tăng cao vẫn do con người. Trở lại cuộc khủng hoảng giá lương thực hồi năm 2007-2008, chính sai lầm trong chính sách của nhiều nước như hạn chế xuất khẩu và tích trữ lương thực là nguyên nhân đã gây ra tình cảnh thiếu lương thực tồi tệ.

Tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực cũng là nguyên nhân quan trọng. Báo cáo của Tổ chức Nông - Lương LHQ vừa đưa ra những con số đáng quan tâm: Mỗi năm, người tiêu dùng ở những nước giàu lãng phí khoảng 222 triệu tấn lương thực, gần bằng sản lượng lương thực của cả khu vực châu Phi (230 triệu tấn). Trong khi châu Phi đối mặt với nạn đói, thì bình quân mỗi năm một người tiêu dùng ở châu Âu và Bắc Mỹ vứt bỏ    95-115kg lương thực, còn người tiêu dùng khu vực châu Phi, Nam và Đông Nam Á vứt bỏ khoảng 6-11kg.

Nguyên nhân cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là thiếu các nguồn đầu tư thỏa đáng cho phát triển nông nghiệp và ổn định giá lương thực. Tháng 6 vừa rồi, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Ngân hàng JPMorgan của Mỹ đã khởi động công cụ tài chính mới với số vốn ban đầu 4 tỷ USD để chống bất ổn giá lương thực trên toàn cầu. Biện pháp được coi là hiếm có này sẽ giúp nông dân, những người sản xuất và tiêu dùng tự bảo vệ trước những biến động thất thường của giá lương thực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sáng kiến hiếm hoi, còn muốn ngăn sự tàn phá của “cơn sóng thần” - giá lương thực tăng cao, thế giới cần phải chung tay một cách mạnh mẽ hơn.