Sống lại những chiến công hào hùng

(ANTĐ) - Những chiến công thầm lặng của lực lượng chiến sĩ Công an Hà Nội trong việc đấu tranh bảo vệ đến cùng thành quả Cách mạng và giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân Thủ đô trong suốt chặng đường 65 năm qua đã được tái hiện chân thực trong loạt phim tài liệu “Ghi dấu cùng Thủ đô” do Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) phối hợp cùng Truyền hình An ninh - ATV của Báo An ninh Thủ đô sản xuất...

Loạt phim tài liệu “Ghi dấu cùng Thủ đô” do VTV2 phối hợp với Truyền hình An ninh - ATV sản xuất:

Sống lại những chiến công hào hùng

(ANTĐ) - Những chiến công thầm lặng của lực lượng chiến sĩ Công an Hà Nội trong việc đấu tranh bảo vệ đến cùng thành quả Cách mạng và giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân Thủ đô trong suốt chặng đường 65 năm qua đã được tái hiện chân thực trong loạt phim tài liệu “Ghi dấu cùng Thủ đô” do Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) phối hợp cùng Truyền hình An ninh - ATV của Báo An ninh Thủ đô sản xuất...

Hình ảnh trong tập phim “Cuộc rượt đuổi nghẹt thở” về vụ án giải cứu con tin người Nhật

Hình ảnh trong tập phim “Cuộc rượt đuổi nghẹt thở” về vụ án giải cứu con tin người Nhật

Người xem lặng mình xúc động

Chuỗi phim tài liệu “Ghi dấu cùng Thủ đô” gồm 6 tập nằm trong chương trình “Những mảnh ghép cuộc sống” của Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam. Ở đó, mỗi tập giúp người xem có dịp nhìn  lại và hiểu rõ hơn về 6 vụ án tiêu biểu nhất qua từng giai đoạn lịch sử kể từ năm 1945 đến nay.

Đó là vụ án Ôn Như Hầu đập tan âm mưu đảo chính của bè lũ phản động trong và ngoài nước cấu kết với quân đội viễn chinh Pháp (1945); vụ án đánh đắm chiến hạm Amiô Đanhvin (Pháp) phá tan mưu đồ củng cố Chính phủ “bù nhìn” của thực dân Pháp và tay sai (1950); vụ bọn phản động dùng bóng bay thả truyền đơn tại Hà Nội (1980); vụ án giải cứu con tin người Nhật tại làng văn hóa Việt - Nhật (1999) cùng hai vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại số 7 Phạm Đình Hổ (1977) và phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng (2007).

Và dù không thể hiện ra bằng lời thoại hay lời bình nhưng đằng sau diễn biến của từng vụ án ấy, những thước phim đã làm bật lên tinh thần quả cảm và chiến công vẻ vang của các chiến sĩ Công an Thủ đô. Bên cạnh đó, không chọn cách khai thác mô tả kiểu đường bay ra sao, dấu vân tay thế nào... song mỗi vụ án được tái hiện trong loạt phim tài liệu kể trên vẫn khiến người xem phải lặng mình xúc động trước những trăn trở và cả sự hy sinh âm thầm lặng lẽ của biết bao chiến sĩ Công an Hà Nội luôn sẵn sàng quên mình để lao vào những nơi nguy hiểm nhất, phá giải những vụ án nghiêm trọng nhất.

Từng thực hiện nhiều bộ phim tài liệu về các đề tài khác nhau, song theo đạo diễn Hoàng Lâm  thì đây là lần hiếm hoi Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất một bộ phim tài liệu theo phương pháp phục dựng hoàn toàn kết hợp với công nghệ 3D.

Khác so với nhiều bộ phim tài liệu trước đó cũng sử dụng phương pháp này, những vụ án được tái hiện lại trong loạt phim “Ghi dấu cùng Thủ đô” bên cạnh sự xuất hiện của những đoạn phim tư liệu, những cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia hoặc theo dõi vụ việc còn có sự tham gia chủ đạo của các... diễn viên không chuyên. Họ được lựa chọn để hóa thân thành những người trong cuộc, từ nạn nhân đến hung thủ dựa trên tiêu chí có ngoại hình tương đối giống với nhân vật chủ chốt của từng vụ án.

Và thật bất ngờ bởi sự lựa chọn này không đi “chệch” ra ngoài cốt lõi câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Minh chứng được thể hiện qua từng cử động trên nét mặt và trong ánh mắt của họ dù là nhỏ nhất đều khiến người xem mường tượng rõ nét bối cảnh xảy ra vụ việc. Bởi thế nên nếu không có sự tiết lộ từ phía đoàn làm phim thì ngoại trừ những người biết rõ vụ việc ra, sẽ chẳng ai ngờ được những nhân vật được tái hiện trên phim lại là những diễn viên đóng thế.  

Các diễn viên không chuyên đã hóa thân vào người trong cuộc rất đạt

Các diễn viên không chuyên đã hóa thân vào người trong cuộc rất đạt

Tái hiện chân thực từng chi tiết

Không chỉ phục dựng lại chân thực vụ việc bằng nhân vật, những thước phim tài liệu “Ghi dấu cùng Thủ đô” còn tái tạo không gian bối cảnh hoàn toàn giống với thời điểm xảy ra vụ việc từ những ngôi nhà, con phố... đến cả căn gác xép. Một phần đó là nhờ đến sự hỗ trợ của công nghệ kỹ xảo 3D. Trong đó phải kể đến bối cảnh đường phố những năm 40 của thế kỷ XX, cảnh Hà Nội nhìn từ trên không, cảnh chiến hạm ngoài khơi...

Tuy nhiên theo đạo diễn Hoàng Lâm thì cái khó lớn nhất khi phục dựng lại bối cảnh cho loạt phim này lại không nằm ở những vụ án xảy ra ở thời điểm lịch sử cách đây khá lâu mà lại nằm ở những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây. Ví như vụ bắt cóc con tin người Nhật tại Làng Văn hóa Việt - Nhật xảy ra cách đây hơn 10 năm nên việc sử dụng công nghệ 3D không được xem là giải pháp tối ưu.

Hình ảnh Phủ Chủ tịch và đường phố Hà Nội năm 1945 được tái tạo lại bằng công nghệ 3D trong tập phim tài liệu về vụ án Ôn Như Hầu

Hình ảnh Phủ Chủ tịch và đường phố Hà Nội năm 1945 được tái tạo lại bằng công nghệ 3D trong tập phim tài  liệu về vụ án Ôn Như Hầu

Tuy nhiên, từ khi vụ việc đó xảy ra cho đến nay lại có quá nhiều thay đổi về bối cảnh, từ việc người tham giao thông trên đường phải đội mũ bảo hiểm trong khi thời điểm xảy ra vụ việc thì chưa có quy định này; đến việc dọc tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn nơi diễn ra cuộc rượt đuổi nghẹt thở giữa các chiến sĩ Công an với tên tội phạm bây giờ thưa vắng người qua lại do toàn bộ phương tiện lưu thông đổ dồn sang đường mới mở. Vì thế đoàn làm phim gần như phải túc trực để có thể chộp được những khoảnh khắc phù hợp với bối cảnh quay cho bộ phim.

Bên cạnh đó, với những người thực hiện bộ phim tài liệu “Ghi dấu cùng Thủ đô”, cái khó nhất và khó hơn cả có lẽ là việc tìm ra những nhân chứng sống từng tham gia hoặc biết diễn biến của vụ việc. Nhất là với vụ án Ôn Như Hầu xảy ra cách đây tới 65 năm và gần như đến giờ thì những người trực tiếp hoặc gián tiếp trong cuộc đều không ai còn sống. Tuy nhiên mối lo này cuối cùng đã được tháo gỡ khi đoàn làm phim tìm gặp được tướng Nguyễn Tài từng là Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Thư ký của Nha Công an Trung ương.

Một trong những nhân chứng còn sống này đã từng tham gia một số cuộc họp bàn về diễn biến vụ án Ôn Như Hầu và nghiên cứu các báo cáo tổng kết lại vụ án này. Cùng với đó, bộ phim tái hiện vụ án Ôn Như Hầu còn được thêm phần chân thực và sinh động hơn nhờ cuốn băng tư liệu mà điện ảnh Công an nhân dân lưu giữ ghi lại cuộc tọa đàm về vụ việc trên với sự tham gia của nhiều nhân vật chủ chốt từng tham gia vụ án trên và cả phát biểu quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chỉ vẻn vẹn 6 tập, mỗi tập có thời lượng gói gọn trong 30 phút song loạt phim “Ghi dấu cùng Thủ đô” đã nêu bật được sự mưu trí và tinh thần quả cảm của lực lượng chiến sĩ Công an Hà Nội qua các thời kỳ, từ khi nước nhà mới được thành lập cho đến nay. Những thước phim đã giúp khán giả thấy được nỗ lực quên mình và trình độ nghiệp vụ vững vàng của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp giữ vững sự bình yên cho cuộc sống nhân dân.    

Ngọc Hà