Sống chậm mới thấy thương chiếc đồng hồ chạy chậm

ANTD.VN - Tất nhiên chiếc đồng hồ Speake-Marin được sản xuất bằng những vật liệu dành cho ngành hàng không vũ trụ thì chẳng cần ai thương xót. Nó có khả năng chống được từ trường Trái đất và chạy chính xác gần như tuyệt đối. Nó lại chống được khả năng ăn mòn kim loại và những va đập thông thường. Hơn hết, nó được bảo hành suốt đời thì chẳng còn gì để lo lắng nữa.

1. Vậy mà nó đã ì ạch chạy vài tháng nay mãi không hết ngày. Nhất là bắt đầu từ hôm 1-4-2020 bắt đầu cách ly toàn xã hội vì dịch Covid-19, nó lại càng tỏ ra chậm chạp khiến cho cả nhà sốt ruột. Đầu tiên là thằng cháu ngoại thỉnh thoảng lại vạch cổ tay ông ra xem giờ. Thằng cu buồn cả mấy tháng trời không chỉ bởi nhà trường cho học sinh nghỉ phòng dịch dài hạn. Cũng chẳng phải nó không có đồng hồ cả ở cổ tay lẫn trong điện thoại. Chỉ là vì lệnh cấm túc của một gia đình toàn những công dân nghiêm chỉnh chấp hành. Mà đa số công dân trong gia đình này nằm trong độ tuổi phải hạn chế đi lại.

Cụ ngoại đã hơn 90 tuổi, ông bà ngoại gần 70. Nó 15 tuổi, học lớp 9. Lúc đi học ngày nào cũng đá bóng ở sân trường, 2 tháng phải mua một đôi giầy mới, đủ thấy mức độ hoạt động chân tay của nó là không hề nhỏ. Quãng đường mà nó chạy nhảy hàng ngày không ít hơn 10km. Bỗng nhiên sau nghỉ Tết vào học được 1 buổi đã nhận lệnh ở nhà. Tuần đầu tiên cu cậu vui vẻ hân hoan đọc sách, làm bài, xem TV, chơi điện tử. Tuần thứ hai bắt đầu quanh quẩn buồn với chiếc Rubic và gấp máy bay giấy. Máy bay giấy lượn đầy nhà và tiếng cóc cách vặn Rubic đều đều như đồng hồ chạy. Bài học cô đơn đầu tiên của nó có lẽ bắt đầu vào tuần thứ ba.

Cụ ngoại nó ở nhà ăn Tết xong cũng không còn ai đến thăm hỏi như trước. Niềm vui nhất của cụ là đầu tuần đi họp phụ nữ ở Tổ dân phố cũng đột nhiên gián đoạn. Các cuộc họp này tất nhiên chẳng bắt buộc, nhưng là thú vui giao tiếp duy nhất còn lại sau gần 40 năm nghỉ hưu của cụ. Họp xong thường các cụ rủ nhau ra quán làm bữa bún bung, bún chả, hay bánh trôi tàu rồi mới chia tay. Chuyện của buổi họp hôm ấy còn được nhắc lại qua điện thoại đến khoảng giữa tuần mới hết. Cụ không để cho tình trạng này diễn ra quá lâu. Có một chỗ bên viện dưỡng lão sẵn sàng đón cụ sang bất cứ lúc nào. Và cụ đã ngay lập tức lựa chọn nó.

Bố mẹ thằng bé dĩ nhiên ở độ tuổi lao động thì chẳng có gì đáng nói. Vẫn phải đến cơ quan hàng ngày. Có chăng chỉ bớt đi được bữa trưa tập thể. Nhưng lại thêm việc mỗi sáng phải tự bảo nhau rang cơm, nấu mì ăn trước khi đi làm. “Đồng hồ” của chúng nhìn chung vẫn chạy ổn định. Chỉ hơi méo múi giờ đi chút ít.

2. Ông bà ngoại thằng bé mới là câu chuyện nan giải. Tưởng rằng với đám về hưu xông xênh giờ giấc thì ở nhà hay ở đâu cũng vậy, nhưng mà không phải thế. Bắt đầu từ Tết đến giờ mới giật mình nhận ra rằng, họ đang gặp nhau cả ngày. Sau hơn 40 năm ở với nhau thì hình như gặp gỡ thế là quá nhiều. Chẳng còn chuyện gì để nói. Giờ nhìn thấy nhau luôn thắc mắc nhiều hơn tán thành. Đại khái bà gắt ông: “Sao bộ quần áo tôi thấy ông mặc cả tuần không thay?”. Ông nhã nhặn: “Ô hay, quần áo tôi treo ở đấy chứ đã mặc vào lúc nào đâu?”.

Giá như ngày thường thì bà đã bỏ đi đến lớp tập Yoga rồi,  nhưng lớp đã ngừng học theo lệnh thành phố. Bà vẫn không quên vớt vát: “Không mặc thì cũng phải giặt”. Ông đã quá quen với những mệnh lệnh thức như thế, hơn 40 năm mà không quen mới lạ. Nhưng cũng thương bà là bởi từ ngày về hưu, bà chỉ còn mỗi việc tập tành hội họp làm vui mà thôi. Chẳng gì bà cũng là hội viên của khoảng vài hội như thế. Hội nhảy đầm, hội dưỡng sinh suối nguồn tươi trẻ, hội Yoga… Con gái bảo: “Bà chỉ còn mỗi hội múa bụng là chưa gia nhập”. Bà chấn chỉnh ngay: “Còn chị nữa đấy…!”.

Với ông thì câu chuyện có phần đơn giản hơn. Bởi vì ông nghỉ việc Nhà nước đã hơn 30 năm rồi. Tự mình phải biết bày trò ra chơi một mình. Hóa ra “chơi một mình” là quà tặng của thượng đế cho con người từ lúc lọt lòng mà không phải ai lớn lên cũng đều giữ lại được phẩm chất ấy. Những đứa trẻ sơ sinh biết chơi một mình luôn là mong ước của phụ huynh. Ban đầu ông cũng bỡ ngỡ như ai.

Nhưng rồi sinh hoạt vào nề nếp cũng đã vài chục năm, chẳng còn gì bất ngờ nữa. Kể từ hôm 1-4 hàng quán đóng cửa thì ông phải chấp hành mà thôi. Thực ra ngay đến cả việc chấp hành cách ly xã hội thì xét cho cùng là hàng quán người ta đã chấp hành hộ ông rồi. Tất nhiên, trong vài con ngõ vắng người ta vẫn lén lút bày hàng ra bán, nhưng ông tuyệt nhiên chưa bao giờ bước chân vào kể cả khi không có lệnh cấm. Hàng quán ở thành phố này chỉ cần nhìn qua bài trí là biết ngay có nên vào hay không.

Ông ở nhà mang mì ra tự nấu bữa sáng lúc 6h, thời điểm mà cả gia đình vẫn còn say ngủ. Cũng đủ hết các công đoạn như thời bao cấp mà ông chẳng bao giờ quên. Hành củ phi thơm, thái cà chua, cho một bát nước vào đun sôi. Bẻ gói mì và xé túi bột gia vị bỏ vào. Cuối cùng là cho hành hoa, bát mì sóng sánh thơm lừng. Trong lúc ăn tiện tay đặt ấm nước sôi, tự pha cà phê bằng chiếc phin cũ kĩ.

Bật một đĩa nhạc giao hưởng, thưởng thức lần lượt bát mì nóng và cà phê. Ly cà phê tự pha còn ngon hơn ở hàng gấp bội chẳng phải vì cà phê mà còn vì tiếng đàn violin của những anh tài kiệt xuất thế giới trình tấu. Chẳng phải lúc nào cũng có điều kiện ngồi nghe như thế để phân biệt tiếng đàn của Anne Sophie, Itzhak Perlman, Jascha Heifetz hay bố con nhà David, Igor Oistrakh…

Ăn sáng xong cũng là lúc ông bước vào công việc hàng ngày. Đều đặn vẽ, viết như thế đã gần nửa thế kỉ rồi, chỉ có một điều khác lạ so với trước ngày 1-4 mà thôi. Đó là ông không còn phải liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay nữa. Bạn bè uống rượu là lý do duy nhất ông sắm chiếc đồng hồ này. Giờ thì họ cũng như mình ngồi nhà chống dịch. Và thương những chiếc đồng hồ chạy quá chậm so với mong muốn.

4-2020