Ra mắt vở diễn “Dòng máu Thuồng luồng”:

Sởn gai ốc với tuồng kinh dị

ANTĐ - Cảm giác sởn gai ốc, rờn rợn khi theo dõi vở Tuồng “Dòng máu thuồng luồng” đã hấp dẫn khán giả đến phút chót. Ngay khi vừa ra mắt tại rạp Hồng Hà, vở diễn đã nhận được lời chúc mừng từ phía khán giả khi mang lại cho công chúng một vở diễn có sự đan xen của những yếu tố ma quái, kỳ dị cùng nhiều tình tiết hài hước, giải trí nhẹ nhàng.

Khán giả đã được thỏa mãn cùng nghệ thuật Tuồng


Kinh dị và hài hước

Hội tụ bởi tài năng của các nghệ sỹ tên tuổi như NSND Lê Hùng - đạo diễn, NSƯT Trọng Đài làm âm nhạc và nhà viết kịch Phạm Văn Quý chắp bút, vở Tuồng “Dòng máu Thuồng luồng” đã không phụ công mong chờ của khán giả. Màu sắc ma quái của vở diễn đã khiến không ít khán giả thót tim ngay từ phút khai màn. Sự kết hợp giữa âm nhạc dồn dập cùng cảnh trí u ám, nhân vật hóa trang kỳ dị đã tạo nên hiệu ứng nghệ thuật đồng thời tôn mạch đi của kịch bản. Đặc biệt, cảnh phòng the nhạy cảm giữa con Thuồng Luồng tu luyện ngàn năm và cô gái lầu xanh cũng được đưa lên sân khấu để nói lên ước muốn được làm người, bước chân vào thế giới của con người của yêu quái. Tất nhiên, với sự dạn dày của một đạo diễn lão luyện, NSND Lê Hùng đã xử lý pha này không mấy khó khăn. Nghệ sỹ đã đưa những vũ điệu đẹp mắt để làm cảnh diễn chỉ mang tính ước lệ và cách điệu mà không trần trụi, dung tục.

Nói “Dòng máu Thuồng luồng” chỉ là một vở diễn kinh dị thôi chưa đủ.  Đạo diễn Lê Hùng đã khéo léo gia giảm một chút tiếng cười, chút hài hước đưa đẩy, câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn. Mang lại tiếng cười cho khán giả” cũng chính là thế mạnh của vị đạo diễn sân khấu nổi tiếng này.

Mượn xưa nói nay

Vở diễn mang đầy tính triết lý về cuộc chiến trong chính mỗi con người

Chỉ bằng một câu ví von “Tham lam như thuồng luồng, ba ba”, nhà viết kịch Phạm Văn Quý đã xây dựng nên một kịch bản triết lý và chặt chẽ. Từ nền tảng đó,  “cái đầu lọc lõi” của đạo diễn Lê Hùng đã dẫn dắt khán giả đến với câu chuyện tưởng như xa xưa nhưng mang đầy hơi thở cuộc sống hiện đại. Với lòng tham và ước muốn đạt được danh vọng bằng mọi giá con người sẽ chẳng khác chi loài Thuồng luồng độc ác. Chỉ khi cái ác bị tiêu diệt và trong mỗi con người cái “tham sân si” nhẹ đi thì khi đó loài Thuồng luồng mới không còn đất sống. Cuộc chiến giữa Thuồng luồng và con người được miêu tả trong vở Tuồng chỉ là một cách nói ẩn dụ “cuộc chiến” trong chính mỗi con người.

Đặc biệt, khi bắt tay vào dàn dựng vở Tuồng dân gian không bị bó buộc bởi những nguyên tắc nên NSND Lê Hùng đã được thỏa sức “quẫy đạp” với các thủ pháp nghệ thuật. Khán giả đều nhận thấy sự tự nhiên và nhuần nhị giữa các màn nối tiếp nhau như không hề có sự dàn dựng. Vũ điệu tuyệt đẹp của Tuồng được sử dụng triệt để diễn tả nội tâm nhân vật. Khán giả thật sự thỏa mãn cùng nghệ thuật truyền thống của Việt Nam với những cú xuế chân điệu nghệ của các diễn viên Tuồng, những cú nhào lộn trên sân khấu không kém gì các diễn viên xiếc. Đặc biệt, mặt nạ Tuồng với những sắc màu đặc trưng cho thiện, ác như trắng, đen, đỏ đã hiện diện rất rõ trong từng tuyến nhân vật. Diễn viên đóng Thuồng luồng được vẽ trắng toàn bộ mặt để đại diện cho cái ác.

Tuy diễn tả triết lý sâu xa và miêu tả cuộc chiến chống lại cái ác, nhưng vở diễn lại được xây dựng ngắn gọn, xúc tích mà vẫn chuyển tải đến khán giả thông điệp rất rõ ràng. Hơn nữa, các nghệ sỹ của Nhà hát Tuồng Việt Nam với sự cố gắng trau dồi và giữ gìn các làn điệu Tuồng truyền thống đã mang đến cho người xem một vở diễn giàu nghệ thuật và tình yêu khán giả dành cho bộ môn nghệ thuật này sẽ được dấy lên và đong đầy từ những vở diễn như “Dòng máu Thuồng luồng”.