Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội kiểm tra “nóng” việc tu sửa đình Chèm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 25-3, tại đình Chèm, một đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội gồm Thanh tra, Ban Quản lý di tích Danh thắng đã có buổi làm việc cùng đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm xung quanh việc tu bổ di tích đình Chèm gây ồn ào trong dư luận.
Hình ảnh tu bổ đình Chèm chiều 25/3 (ảnh Sơn Nguyễn)

Hình ảnh tu bổ đình Chèm chiều 25/3 (ảnh Sơn Nguyễn)

Mấy ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội đăng tải nhiều bức ảnh liên quan đến việc tu bổ di tích đình Chèm như việc tháo dỡ nền đá, bậc thềm và đặc biệt là việc chặt hạ cây đa trước cổng đình…nhiều người bày tỏ sự lo lắng trước hình ảnh làm mới một số hạng mục của công trình kiến trúc cổ từng được khởi dựng từ cách đây gần 2.000 năm và đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Cây đa được trồng vào năm 1996 trước cửa đình Chèm bị chặt chỉ còn lại gốc

Cây đa được trồng vào năm 1996 trước cửa đình Chèm bị chặt chỉ còn lại gốc

Trước sự việc kể trên, PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Phòng Văn hóa quận Bắc Từ Liêm và được biết, việc tu bổ đình Chèm đang được kiểm tra và “sẽ có thông cáo báo chí sau”. Liên hệ với ông Nguyễn Doãn Văn- Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội thì được biết, việc chặt cây đa trước cổng đình chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý, các hoạt động tu bổ ra sao và thế nào hiện Sở cũng đang gấp rút cho kiểm tra.

Có mặt tại đình Chèm vào chiều ngày 25.3 cùng thời điểm đoàn công tác của Sở VHTT Hà Nội do Thanh tra Sở chủ trì có cuộc làm việc với UBND quận Bắc Từ Liêm cũng như Ban quản lý di tích đình Chèm. Tuy nhiên, cuộc họp diễn ra theo hình thức “họp kín” nên phóng viên không được tham dự.

Được biết, việc tu bổ đình Chèm đã được thực hiện trong nhiều tháng qua, các hạng mục chỉnh trang tu bổ bao gồm: hệ thống tường rào, cây xanh bao quanh sân đình, hạ cốt sân trước và sân sau đình, chỉnh sửa lại ngói…Tổng kinh phí tu bổ khoảng 10 tỷ đồng do quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư kết hợp với nguồn xã hội hóa. Dự kiến, việc trùng tu sẽ hoàn tất vào tháng 4/2022.

Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Đức Thánh Chèm). Sự tích Lý Ông Trọng đã được ghi lại trong cuốn Lĩnh Nam chích quái, thể hiện rõ ông là một nhân vật truyền thuyết của dân gian Việt Nam.

Theo sách “Việt điện u linh” cũng như ngọc phả của đình thì đình Chèm được xây dựng từ thế kỷ thứ VII, là công trình kiến trúc có nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu: Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước…

Tại đình còn giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn; ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng; bốn bia đá, một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm bia thời Nguyễn; hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn; 15 câu đối, tám bức hoành phi và 10 pho tượng thờ. Pho tượng Lý Ông Trọng cao hơn 3m, bằng gỗ sơn son thếp vàng rất sinh động.

Tại khuôn viên Đình Chèm có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mệnh (nhà Nguyễn) năm 1824. Ngoài ra, trong đình còn rất nhiều đồ thờ các loại đều có giá trị nghệ thuật cao như chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm.

Đình Chèm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn và mở rộng. Đặc biệt vào những năm 20 của thế kỷ XX, dân vùng Chèm đã tiến hành một việc quan trọng và táo bạo là nâng toàn bộ ngôi đình lên cao. Đến nay, tất cả kiến trúc của đình Chèm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ bố cục đến kiểu dáng cả một tổng thể những di tích cổ kính nằm hài hòa trong một không gian rộng thoáng, bên sông Hồng. Năm 1990, Đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2018, đình Chèm được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.