Số 1 chưa phải là nhất

ANTĐ - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, hàng tồn kho chồng chất, sức mua giảm sút, thông tin Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới dường như không được các phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận quan tâm. Kỳ tích của ngành nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cũng như giữ ổn định nền móng kinh tế và ổn định cơ bản đời sống nhân dân bị lọt thỏm giữa những chỉ tiêu GDP, lạm phát, nhập siêu, xuất nhập khẩu…

Việc nước ta soán ngôi Thái Lan, giành vị trí số 1 xuất khẩu gạo trên thế giới là một sự kiện rất đáng vui mừng nhưng cũng rất đáng suy nghĩ. Rất nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nước ta không nên chạy theo thành tích về sản lượng gạo xuất khẩu mà cần tập trung nâng cao giá trị hạt gạo thương hiệu Việt Nam, đặc biệt là cải thiện, nâng cao mức sống nông dân. Trong những năm qua, khối lượng gạo xuất khẩu tăng ồ ạt, về thực chất là một dạng xuất khẩu tài nguyên giống như khoáng sản. Càng bán được nhiều gạo thì càng nhanh cạn kiệt tài nguyên đất đai, nguồn nước, môi trường.

Theo một giáo sư, tiến sĩ nông nghiệp nổi tiếng, lâu nay nước ta chỉ tập trung trồng lúa theo hướng tăng năng suất và sản lượng. Vì thế, chi phí sản xuất trong cấu thành giá trị hạt gạo chiếm tỷ lệ khá cao khiến phần lợi nhuận giảm đi. Trong khi đó, Thái Lan luôn theo đuổi việc nâng cao chất lượng, sản phẩm có thương hiệu bán được giá cao, song lợi nhuận của nông dân Thái cao hơn rất nhiều so với nông dân Việt Nam. Hơn thế, giá trị gạo xuất khẩu của nước ta luôn thấp hơn nhiều so với gạo Thái. Sở dĩ gạo Việt luôn lép vế, bán với giá thấp hơn từ vài chục đến cả trăm USD/tấn là vì chất lượng kém hơn, chưa có thương hiệu. Giá trị xuất khẩu gạo của nước ta năm 2012 thấp hơn năm 2011 và thua cả Thái Lan, Ấn Độ do bán giá thấp.

Bởi thế, “hiện tượng” đứng vị trí số 1 thế giới về lượng gạo xuất khẩu cũng chẳng mấy ý nghĩa, vì lâu nay phần lớn nông dân vẫn còn nghèo, thu nhập bấp bênh, chịu nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, đồng thời luôn là tầng lớp dân cư yếu thế và dễ bị tổn thương khi kinh tế khó khăn, giá cả, chi phí đầu vào gia tăng. Công bằng mà nói, Việt Nam chỉ tạm thời giành ngôi số 1 là vì Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ, trợ giá cho nông dân. Điều này đã nâng cao thu nhập của nông dân, tách giá lúa trong nước với giá thị trường thế giới. Vì vậy, từ vị trí số 1, Thái Lan xuống vị trí số 3 và Việt Nam đương nhiên “lên ngôi”.