Nhà thiết kế Kelly Bùi

Sexy không có nghĩa là... hở

ANTĐ - Kelly Bùi là một nhà thiết kế thời trang tài hoa và cũng là một nữ doanh nhân thành đạt. Điểm nhấn mà Kelly Bùi đã làm được là “thổi” vào làn sóng thời trang trong nước một phong cách châu Âu sang trọng, tinh tế. “Ăn cắp” khoảng trống thời gian giữa những bộn bề công việc, người đàn bà đẹp ấy đã kể một câu chuyện thật giản dị về cảm xúc với nghề cũng như quan niệm về cái đẹp.

Sexy không có nghĩa là... hở ảnh 1
- Chào chị, bắt đầu câu chuyện bằng sự gợi nhớ về quá khứ được không?  - Để hình thành nên thương hiệu Kelly Bùi ngày hôm nay thì mỗi giai đoạn có một cột mốc khác nhau. Thời điểm còn học tại Vương quốc Anh, trong tôi nung nấu một điều rất mạnh mẽ đó là muốn ngay lập tức quay về để cống hiến. Khi trở về tôi mất 2 năm để nghiên cứu thị trường, tìm hiểu về gu thẩm mỹ, rồi phỏng vấn từng người một xem họ thích gì, cần gì, thu nhập ra sao, mặt bằng cạnh tranh thế nào… Đến khi bắt đầu quảng bá thương hiệu lại gặp vấn đề về vốn. Tôi bắt tay viết dự án, vay vốn ngân hàng 800 triệu đồng cộng thêm 300 triệu vốn tiền tiết kiệm để phát triển thương hiệu Kelly Bùi. Đó là một số những câu chuyện ở thời điểm bắt đầu tôi nhớ nhất. Câu chuyện cho đến nay trong tôi vẫn là hàng loạt những câu hỏi trăn trở làm thế nào để tiếp tục cống hiến, tồn tại ở thị trường rất khắc nghiệt, vừa mới vừa cũ, vừa khó mà cũng vừa dễ này.   - Con đường thời trang là sự lạc bước hay chủ đích của chị?  - Tôi mê thời trang từ nhỏ.  Tôi đã từng có 6 năm tôi múa, sau đó chuyển sang học võ 3 năm… (Cười) Rồi đã từng gia nhập làng người mẫu Việt Nam. Sau đấy tôi “săn” được học bổng sang Anh học tại Học viện Thời trang London, bố mẹ tôi đã phải tìm hiểu mãi mới quyết định cho đi.  - Chị định hướng về con đường thiết kế thời trang của mình ra sao? - Trong thời trang có 2 dòng, khi chúng ta nhìn thấy các thương hiệu thời trang thì ông chủ của họ là người kinh doanh thực thụ chứ không phải là NTK; còn các NTK ở Việt Nam chỉ tồn tại dưới dạng mở các cửa hàng thật đẹp, bán các sản phẩm của họ một cách giới hạn và rất đắt. Cái của tôi hoàn toàn khác, tôi kinh doanh sản phẩm thời trang và kết hợp giữa việc kinh doanh nhãn hiệu của tôi. - Phong cách trong thiết kế của chị thế nào? - Phong cách của tôi theo kiểu châu Âu, đồ rất sang trọng, lịch sự và đặc biệt dành cho giới công sở.  - Chị có thần tượng NTK nào không? - Tôi thần tượng rất nhiều NTK đi trước như Alexander McQueen, Dolce & Gabana… bởi mỗi người có một phương thức kinh doanh - phong cách khác nhau.  - Sự ảnh hưởng có tồn tại như cái bóng trong những ý tưởng thiết kế của chị? - Mình buộc phải thoát ra, thực ra khách hàng là người đưa ra phong cách.  Mình phải tính toán làm sao để giá thành sản phẩm sau khi hoàn tất phải nằm trong khả năng chi trả của khách hàng, cao quá hay rẻ quá họ cũng không mua.  - Thiên tài hội họa Pablo Picasso có nói rằng: “Những nghệ sỹ giỏi là những nghệ sỹ đi vay mượn. Những nghệ sỹ vĩ đại là những nghệ sỹ đi ăn cắp”. Câu nói đó có đúng trong nghề của chị?  - Thực chất câu nói nào cũng đều có 2 chiều. Thời trang là gì? Thời trang là một sự quay vòng, là một sự copy, chỉ có điều đến khi vòng quay của nó được lặp lại thì phải đưa cái tính thời đại cùng những sáng tạo riêng vào thiết kế của mình. Nếu một NTK thời trang nào nói rằng tôi thích cái gì tôi vẽ cái đấy là một NTK thời trang không chuyên nghiệp. Vậy nên nếu như nói rằng thời trang là ăn cắp, vay mượn thì cũng không sai.  - Điều gì là tối quan trọng đối với một NTK thời trang?  - Tầm nhìn là quan trọng nhất, tầm nhìn sẽ quyết định tất cả mọi thứ. Trên thế giới có một hiệp hội gồm có 5 NTK nổi tiếng nhất trên thế giới, họ là người phải đưa ra xu hướng để các NTK khác đi theo để tạo nên xu thế chung.  - Đam mê - năng khiếu chiếm tỉ lệ thế nào trong nghề nghiệp của chị?  -  Tôi nghĩ rằng một người thành công sự đam mê chiếm gần như là tuyệt đối, năng khiếu đương nhiên bắt buộc là phải có điểm ở tỉ lệ trên ngưỡng trung bình. Năng khiếu là bước đệm để tồn tại ở ngành nghề đã chọn.  - Chị đánh giá thế nào về tình hình thời trang Việt Nam giai đoạn này?  - Trong giai đoạn này thời trang Việt Nam như một bức tranh nhiều màu. Chúng ta có thể nhìn xung quanh và thấy nó không định hình rõ một phong cách rõ ràng bởi bị ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc. Giá thành rẻ, hàng hóa nhập khẩu nhiều khiến mọi người mặc sản phẩm không có phong cách cụ thể. Thời trang không có nghĩa là ra ngoài đường thấy cái gì người ta có mình cũng mặc lên người.   - Tuổi thọ của một sản phẩm thời trang là bao lâu, theo chị? - Bất cứ một NTK nào đưa ra sản phẩm theo tiêu chí đẹp, bền; nhưng ở thời đại bây giờ tuổi thọ của sản phẩm thời trang tính theo tuổi thọ của bột giặt OMO (Cười). Nhưng theo tôi tuổi thọ của thời trang căn cứ vào cách sử dụng sản phẩm và quan niệm của mỗi người. - Thế còn “tuổi thọ” của một NTK thời trang? - Phụ thuộc vào cái tôi của họ. Khi đạt đến một cái đỉnh, họ không biết cách nhìn nhận lại, làm mới lại mình thì sẽ mất ngay khỏi thị trường và bị rơi từ 4 đến 5 năm. Khi ở trên đỉnh, biết mình là ai, cái tôi của mình ra sao, lắng nghe mọi người nói thì tuổi thọ sẽ được kéo dài.  - Điều gì đáng sợ nhất đối với một NTK thời trang? - Đó là sản phẩm của mình ra mà không ai mặc, không ai đón nhận. Lúc đấy NTK sẽ rơi vào tình trạng hoang mang không biết mình là ai, sản phẩm của mình đi đến đâu. - Sản phẩm do chính chị thiết kế chiếm bao nhiêu % tủ quần áo của chị? - Bất kỳ một sản phẩm nào thiết kế ra tôi đều giữ lại một mẫu, tôi mặc và cũng để lưu lại làm kỷ niệm luôn. Hầu như 100% tôi mặc sản phẩm của tôi, tôi vẫn mua sản phẩm của những thương hiệu khác nhưng sản phẩm đó phải cho tôi được những bài học thì tôi mới mua.   - Nhan sắc có được coi là một lợi thế trong thành công của chị? - Tôi làm bằng tay chứ có làm bằng mặt đâu! (Cười) Đôi khi tôi thấy nó lại trở thành yếu thế thì đúng hơn, đặc biệt khi gặp những nhà đầu tư để làm việc, trong đầu họ lại mặc định ở cái nhìn đầu tiên cô này mặt hoa da phấn chắc không biết làm gì; sau khi nói chuyện và bắt tay vào làm họ sẽ thấy tôi hoàn toàn khác và trân trọng nhiều hơn.   - Chị định nghĩa thế nào về cái đẹp? - Cái đẹp là ở mặt nhân cách, cách nhìn nhận về một vấn đề, đó là câu chuyện muôn thuở chứ không chỉ còn đơn giản ở vẻ đẹp bên ngoài. Tuy nhiên đẹp ở thời điểm bây giờ phải hoàn hảo, phải đầy đủ cả hai. Việc mình mặc trang phục có phong cách biết cách trang điểm… là một cách tôn trọng chính bản thân mình, người đối diện và tất cả những người xung quanh. Cái đó chỉ chiếm % ít thôi, ngoài ra còn có cách xử lý công việc, cách đàm thoại, cách nói chuyện… - Chị quan niệm thế nào về khái niệm đẹp và sexy? - Trong phạm trù cái đẹp đã có sự sexy rồi. Khi chúng ta nhìn một người đẹp, kể cả họ mặc một bộ quần áo kín đáo cũng thấy toát lên vẻ sexy vì ở đó còn là cách họ thể hiện, thần thái… Còn sự sexy lồ lộ ra thì lại theo chiều hướng khác rồi. Mọi người hầu hết chưa hiểu đúng khái niệm sexy, sexy ở đây là gợi cảm chứ không phải  cứ lộ, cứ hở mới là sexy.  - Cảm ơn và chúc chị thành công hơn nữa!