Sẽ thu thập số điện thoại, email cá nhân từ 1-7?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Luật Căn cước, từ 1-7 tới, ngoài họ tên khai sinh, quê quán, nhóm máu…cơ quan chức năng sẽ thu thập số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 9 Luật Căn cước quy định, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm 26 trường thông tin được thu thập, cập nhật.

Trong đó, bên cạnh các trường thông tin vẫn đang được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán, nhóm máu, tình trạng hôn nhân…còn có một số nhóm thông tin mới so với hiện tại. Đó là, số định danh cá nhân, họ tên khác, nơi sinh, số chứng minh nhân dân 9 số, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử…

Các thông tin cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chia thành 2 nhóm:

Nhóm 1: Thông tin bắt buộc phải thu thập gồm: họ tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh…

Các thông tin này dùng tạo lập số định danh cá nhân dùng để phân biệt người này với người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phục vụ cho công tác quản lý dân cư.

Nhóm 2: Các thông tin gồm nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… Đây được xem là những thông tin cần thiết phải có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi số của Đề án số 06.

Nhóm thông tin về hộ tịch và thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại… cần có để phục vụ việc xác định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, thông tin địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân…

Thông tin về nhóm máu nhằm phục vụ công tác cấp cứu cũng như xây dựng nguồn máu dự phòng trong khám chữa bệnh,…Thông tin về số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử thu nhập là nhằm bảo đảm sự liên lạc giữa cơ quan nhà nước với người dân; Để xác thực khi tạo lập, sử dụng căn cước điện tử hoặc thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước…

Ngoài ra, Luật Căn cước còn bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học (Điều 16 và Điều 23). Theo đó, sẽ thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước.

Đặc biệt Luật còn bổ sung quy định về việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước (Điều 22). Thông tin tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp thẻ căn cước.

Việc sử dụng thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.