Sẽ tái tạo cánh đồng dâu tại Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội

ANTD.VN - Một cánh đồng với khoảng 100 khóm dâu sẽ được tái tạo trong không Hoàng thành Thăng Long, nhằm đem đến cho du khách một trải nghiệm chân thực về quy trình làm lụa Vạn Phúc – làng nghề thủ công nức tiếng của Hà Nội. Đây cũng là một trong những điểm hấp dẫn tại Liên hoan Du lịch làng nghề Hà Nội – Việt Nam 2016 diễn ra từ ngày 29-9 đến 2-10.

Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 là sự kiện do UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn,  Sở Du lịch Hà Nội, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cùng nhiều đơn vị phối hợp tổ chức.

Với chủ đề “Hà Nội – tinh hoa truyền thống”, liên hoan được tổ chức từ ngày 29-9 đến 2-10-2016 tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, gồm nhiều khu vực mô phỏng, tái hiện không gian làng nghề truyền thống, mang dấu ăn văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

Quy mô của liên hoan là khoảng 250 gian hàng, với 60 gian làng nghề và doanh nghiệp nghề truyền thống; 63 gian hàng dành cho các Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và các doanh nghiệp đến từ các làng nghề, phố nghề của 11 tỉnh thành cả nước; 50 gian của các doanh nghiệp du lịch, tài trợ; 30 gian hàng ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc trưng của Hà Nội và cả nước…  

Mô phỏng khu thao diễn tay nghề của 7 làng nghề truyền thống

Một trong những điểm nổi bật ở Liên hoan đó là khu thao diễn tay nghề của 7 làng nghề tiêu biểu đó là làng mỹ nghệ Sơn Đồng, làng nghề thêu tay Quất Động, làng mây tre đan Phú Vinh, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn và làng nghề làm đèn Trung thu. Tại đây, du khách sẽ được trực tiếp xem quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công của các nghệ nhân và được cầm những món đồ thủ công mang về.

Cũng tại kỳ liên hoan này, BTC chọn lựa tái hiện sống động không gian 2 làng nghề tiêu biểu là làng Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng. Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, tại không gian làng gốm Bát Tràng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng “Con đường gốm” được tạo thành từ 62 cụm gốm (biểu trưng cho 62 năm Giải phóng Thủ đô) gồm 300 sản phẩm của các nghệ nhân tái hiện giai đoạn lịch sử của làng gốm Bát Tràng. Lần đầu tiên, 44 sắc phong của các dòng họ Bát Tràng – tư liệu lịch sử chưa từng được công bố được giới thiệu trang trọng xung quanh khu nhà thờ tổ nghề Bát Tràng.

Phối cảnh cánh đồng dâu trong không gian làng lụa Vạn Phúc

Nghề trồng dâu nuôi tằm gắn liền với quy trình sản xuất lụa Vạn Phúc (Ảnh minh họa)

Một cánh đồng dâu thật tượng trưng cho nghề trồng dâu nuôi tằm, gắn liền với quy trình dệt lụa truyền thống sẽ được tái tạo trong không gian làng lụa Vạn Phúc. Theo BTC, do sẽ có 100 khóm dâu thật được bố trí ngay bên trái cổng vào khu vực này để du khách có thể có hình dung rõ nhất bức tranh đầy đủ về nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống. Ngoài ra du khách sẽ được thưởng lãm quá trình ươm tơ, phơi lụa với những mảnh lụa nhiều màu sắc.

Trong khuôn khổ liên hoan, vào 9h ngày 1-10, sẽ diễn ra lễ rước tôn vinh tổ nghề của 3 làng nghề là làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc và làng gỗ La Xuyên. Cùng với đó, BTC sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “Làng nghề Việt gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế” để bàn về các pháp xây dựng thương hiệu – làm du lịch cho các làng nghề hiện nay.

Liên hoan là cơ hội để công chúng hiểu thêm về giá trị của làng nghề truyền thống

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cho biết, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội sẽ không chỉ trưng bày suông, mà kể câu chuyện hoàn chỉnh của làng nghề truyền thống, từ quy trình sản xuất ra sản phẩm đến khi sản phẩm đi vào đời sống. BTC cũng kỳ vọng với những sự chuẩn bị công phu, chu đáo, liên hoan sẽ là một điểm đến đặc sắc để níu chân du khách trong và nước khi tới Thủ đô.