Thái Nguyên - giải cứu bến tàu triệu đô “mắc cạn”:

Sẽ giải quyết triệt để, đúng theo quy định pháp luật

ANTĐ - Như ANTĐ đã phản ánh, dự án “Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc” có tổng vốn 82 tỉ đồng (gần 4 triệu USD). Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, cần đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đánh thức tiềm năng du lịch và tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, Dự án vẫn mắc ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Để thực hiện dự án, các cơ quan ban ngành tỉnh Thái Nguyên sẽ vào cuộc và giải quyết triệt để.
Sẽ giải quyết triệt để, đúng theo quy định pháp luật ảnh 1
Dự án "Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc" vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng vì "tắc" ở khâu GPMB

Cho thuê đất sai quy định pháp luật

Sau khi kiểm tra, rà soát những vướng mắc tại khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) khi thực hiện Dự án “Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc”, ngày 7-5, UBND huyện Đại Từ đã chính thức ký văn bản số 342/UBND-GPMB, báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên và gửi cơ quan báo chí.

Văn bản này của UBND huyện Đại Từ cũng khẳng định, Dự án “Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc” thuộc hạng mục công trình trọng điểm phục vụ Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên. Dự án được giao cho Doanh nghiệp Anh Thắng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 82 tỉ đồng.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ đã tích cực triển khai, tuy nhiên quá trình thực hiện dự án còn vướng mắc về mặt GPMB, nên hạng mục công trình trên bị chậm tiến độ so với yêu cầu.

Qua kiểm tra, UBND huyện Đại Từ thấy rằng, nguồn gốc khu đất thực hiện dự án trước đây do Trạm Thủy sản hồ Núi Cốc quản lý, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Năm 2005 UBND tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi để giao cho Văn phòng tỉnh sử dụng vào mục đích xây dựng nhà khách.

Tháng 3-2005, phần tài sản trên đất (trong đó có nhà FAO) được UBND tỉnh có quyết định phê duyệt, thanh lý tháo dỡ và thu hồi vật liệu theo Quyết định 337/QĐ-UB ngày 7-3-22005.

Ông Hoàng Văn Toàn - Trạm thủy sản Núi Cốc là người đã mua tài sản thanh lý này. Sau đó dự án xây nhà khách không được thực hiện, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi đất và giao cho UBND huyện Đại Từ quản lý, sử dụng xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất. Đồng thời, Doanh nghiệp Anh Thắng được phép tiến hành đầu tư xây dựng công trình.

Tuy nhiên, UBND huyện Đại Từ qua kiểm tra thấy rằng, mặc dù UBND tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi đất (QĐ số 462/QĐUB ngày 28-3-2005), nhưng phớt lờ quyết định trên, ngày 01-4-2007, Trạm Thủy sản hồ Núi Cốc vẫn ký hợp đồng giao khoán khu đất này (khoảng trên 15.000 m2) cho ông Hoàng Văn Toàn vào mục đích trồng rừng. Huyện Đại Từ khẳng định, việc giao khoán này là trái quy định pháp luật

Đặc biệt, không dừng lại ở đó, sai phạm tiếp nối lại xảy ra khi tháng 1-2010, ông Toàn tiếp tục chuyển giao hợp đồng nhận khoán đất trồng rừng cho ông Triệu Văn Hồng (xã Tân Thái, Đại Từ). Theo UBND huyện Đại Từ, hợp đồng này không có giá trị vì đã vô hiệu.

Sẽ giải quyết triệt để

UBND huyện Đại Từ còn khẳng định, việc ông Triệu Văn Hồng tự ý xây dựng công trình trên đất (xây dựng nhà từ phần tài sản mà ông Toàn mua thanh lý từ quyết định của UBND tỉnh, theo đó người mua phải có trách nhiệm tháo dỡ, thu hồi vật liệu và trả mặt bằng) là không hợp pháp, không đúng mục đích sử dụng.

Mặc dù việc thuê đất sai so với quy định của pháp luật, thế nhưng khi thực hiện dự án “Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc”, phía hộ gia đình ông Triệu Văn Hồng vẫn không trả lại mặt bằng để thực hiện xây dựng dự án này.

Theo nội dung văn bản của UBND huyện Đại Từ cho biết vì lẽ đó đối chiếu với quy định về bồi thường, hỗ trợ GPMB của UBND tỉnh Thái Nguyên thì ông Triệu Văn Hồng không được bồi thường, hỗ trợ mà phải tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép để trả lại mặt bằng cho dự án. Nhưng hộ dân này đã không chấp hành thực hiện buộc cơ quan chức năng phải tổ chức tháo dỡ.

Liên quan đến việc tố cáo, cho rằng chủ đầu tư dự án (Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng – PV) đã tự ý cưỡng chế nhà dân, tại văn bản trả lời báo chí này (văn bản số 342/UBND- GPMB, ngày 7-5 do Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, ông Đỗ Hải Đường ký) khẳng định: “qua kiểm tra thực tế và các hồ sơ có liên quan cho thấy, chủ đầu tư không tự ý cưỡng chế nhà dân. Đây là sự phối hợp của doanh nghiệp với UBND xã Tân Thái, huyện Đại Từ để tháo dỡ tài sản mua thanh lý, thu hồi vật liệu do gia đình ông Triệu Văn Hồng không tự tháo dỡ theo thông báo của UBND huyện”. 

Trả lời báo chí, một cán bộ UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết đã ban hành nhiều văn bản để giải quyết sự việc và sẽ kiên quyết xử lý triệt để, đúng theo quy định của pháp luật. Những đối tượng chống đối khi thực hiện dự án, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, thu hút du lịch của địa phương sẽ bị xử lý nghiêm.