NSND Hoàng Dũng nói về vở mới của Nhà hát kịch Hà Nội

Sẽ đánh thẳng vào “virus” chức quyền, tham nhũng, tham ô

ANTĐ - NSND Hoàng Dũng, cái tên góp phần tạo dựng thương hiệu kịch Hà Nội với những tài năng đạt tầm quốc gia, một diễn viên ấn tượng trên màn ảnh lớn nhỏ, một đạo diễn, Giám đốc kiêm Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam đương nhiệm vẫn đang cháy lửa nghề… Viết về mặt nào cũng dường như là không đủ với ngôi sao bền sáng lâu năm của sân khấu này.

Sẽ đánh thẳng vào “virus” chức quyền, tham nhũng, tham ô ảnh 1
NSND Hoàng Dũng vai Bá Nhỡ trong vở Tiếng đàn vùng Mê Thảo
Ảnh: Nguyễn Đình Toán


- Đơn vị nghệ thuật công lập này 53 tuổi, thì ông đã có 35 năm gắn bó. Thực tế, không chỉ đến đại bản doanh ngay trên phố trung tâm nhất Thủ đô, mà bà con nông thôn vẫn được xem kịch Hà Nội, với dàn diễn viên tiếng tăm, các vở diễn bộc lộ chất sang trọng, cao nghề?

- Đúng vậy, và xem miễn phí. Hà Nội mở rộng hơn 5 năm qua, Nhà hát vất vả hơn do đến huyện xa. Vở lớn diễn ở rạp, về huyện thì chọn vở xung đột cao, chùm hài kịch, bà con dễ tiếp nhận. Diễn ở Nhà văn hóa, hoặc ngoài bãi, dựng sân khấu ngoài trời.

- Thuộc thế hệ 5X, ông là diễn viên duy nhất trong đội hình huyền thoại của kịch Hà Nội còn công tác?

- Nhà hát có 6 thế hệ tiếp nối, khán giả trung thành vẫn nhớ lứa đầu: Trần Hạnh, Trịnh Mai, Thanh Tú, Đức Lưu, tiếp theo: Trần Kiếm, Trần Vân, Trần Đức, Nhật Đức; lớp chúng tôi: Tiến Đạt, Trần Đức, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Vượng, Hồng Sơn, Minh Trang, Đam Ca; kề sau là Minh Hòa, Thu Hà; lứa Trung Hiếu, Công Lý, nay tuổi 40. Thế hệ 8X: Kiều Thanh, Thiện Tùng, Ngọc Quỳnh, Thùy Linh... đã bước đầu khẳng định. Tiến Minh (SN 1977) vừa diễn xuất khá, vừa viết nhạc phim ăn khách, mấy năm gần đây đảm nhiệm viết nhạc cho Nhà hát. Hiện nay, nếu diễn viên nào được khán giả nhớ thì chủ yếu qua tivi, nhờ phim truyền hình.  Sân khấu có sức hút như xưa nữa đâu mà có ngôi sao.

- Sự vất vả của cuộc sống hôm nay khác 20, 30 năm trước, dân trí tăng lên song nhu cầu xem hài kịch, tức là thuần giải trí vẫn chiếm đa số. Nhà hát kịch Hà Nội  tự “làm khó” cho mình khi không “đỏ đèn liên tục” bằng những đêm hài?

- Chúng tôi có năng lực đa dạng, nhưng chú ý giữ phong cách đã làm nên thương hiệu Kịch Hà Nội. Bên cạnh vở đương đại, chúng tôi chọn vở kinh điển, kịch nước ngoài, dựng lại một số vở nổi tiếng của Nhà hát. Kịch Hà Nội thế kỷ 21 phải phong phú, nhiều “màu sắc”. 

- Là Giám đốc một Nhà hát tiếng tăm, ông có bị áp lực không?

- Không áp lực gì ghê gớm. Khi Nhà hát bắt đầu lừng lẫy, thời điểm tiếng tăm ấy đã có sự xuất hiện của lứa chúng tôi. Phương hướng nghệ thuật của Nhà hát đã thấm vào máu tôi bao năm. 

- Uỷ viên BCH, Uỷ viên Hội đồng nghệ thuật của Hội NSSKVN, Phó Chủ tịch Hội SK Hà Nội, Uỷ viên HĐNT của TP Hà Nội, công việc nhiều, ông vẫn đảm nhiệm được những vai hay mỗi năm. Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng mê thảo là vai hay nhất vở. Đánh đàn nguyệt rất “khớp” nhạc và đẹp, ông phải học lâu không? 

- Tôi mời nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam đến đánh bản nhạc, theo dõi tay họ và tập. Cơ bản là tạo thần chứ không mô phỏng. Tôi chỉ biết chơi guitar, một chút.

- Kịch Hà Nội hôm nay gồm cả kịch Hà Tây, liệu phong thái Nhà hát sẽ thay đổi gì nữa sắp tới?

 Nhà hát có 130 người, trong đó 90 DV, chia làm 3 đoàn. Đoàn 1 do NSƯT Trung Hiếu trưởng đoàn, Phó giám đốc NSND Minh Hòa là trưởng đoàn 2. Đây là 2 đoàn gốc. Kịch Hà Tây cũ là đoàn 3, do NSƯT Đức Quang phụ trách. Ở đâu, một diễn viên muốn được coi là nghệ sĩ, phải có sáng tạo. Muốn được nhớ đến, phải lao động hiệu quả, không do già trẻ, xuất thân. Những gì không thật sẽ bị bật ra. Làm nghệ thuật là làm công việc tâm hồn. Có người theo nghề diễn vì cuộc sống, vì không làm diễn viên, không làm được việc gì khác. Có người vì đam mê. Nghệ sĩ chỉ tồn tại được lâu bằng sản phẩm tâm hồn.

- Nhưng đời sống diễn viên thì vẫn vất vả quá?

- Theo chế độ Nhà nước, hơn 20 năm không thay đổi: vai trung tâm được 150 nghìn/ buổi diễn, vai chính 100 nghìn. Tập thì đều nhau 20.000đ/buổi. Rẻ mạt thế đấy. Thật cay đắng khi văn hóa nghệ thuật luôn cần, lại hay bị xem nhẹ, tôi không muốn kêu nữa. Kiến nghị mãi rồi có thay đổi đâu. Kêu mãi thành hèn.

- Thực tế nhức nhối là các em có sắc vóc giờ không muốn thi vào các trường nghệ thuật để học 4, 5 năm. Lớp trẻ muốn nổi tiếng nhanh và một số cho rằng, học hành vất vả làm gì khi nhiều người không học vẫn được mời tay ngang và rất đông kẻ ngộ nhận, vỗ ngực.

- Văn hóa tự xưng không chỉ ở Việt Nam. Với nhà văn, phải nhắc đến tác phẩm. Với diễn viên phải có vai được nhớ. Sự ngộ nhận, tự xưng, háo danh, tuổi thọ ngắn thôi. Tôi vẫn dạy học trò, muốn nâng cao hiểu biết, nghề nghiệp, phải chịu khó xem các loại hình nghệ thuật, nghe nhạc, nhất là chăm đọc sách. Đọc nhiều, sẽ “ăn cắp” được tâm trạng của bao mảnh đời mà nhà văn tích lũy, viết ra. Đọc, chìm đắm và hiểu sâu văn học, sẽ tăng vốn sống, tích lũy cảm xúc. Diễn viên là nghề bắt chước, chịu chắt lọc, quan sát, sẽ đóng được nhiều nghề, thể hiện được đa dạng. Diễn viên kịch đóng vai diễn viên tuồng mà không biết gì về kịch hát dân tộc, cuống lên đi học gấp thì mơ gì tròn vai, huống hồ sáng tạo? Sự đọc, học là thường xuyên, liên tục.

- Không ít diễn viên sân khấu đi đóng phim cũng bị các thói quen sân khấu. Còn ông, tôi thấy ông dành nhiều HCV sân khấu và cũng có giải của điện ảnh?

 - Cũng là lấy hơi nhả chữ, nhưng opera khác nhạc nhẹ. Đóng phim phải thật như cuộc không thể cường điệu ước lệ như sân khấu. Tôi đóng phim lâu rồi, từ vai cậu thanh niên trong phim Kẻ giết người (ĐD Hoài Linh), vai kỹ sư phim Thời hiện tại đóng đạt lại được ĐD Trần Đắc mời đóng tiếp Vụ áp - phe Đông Dương. Tôi đóng phim Mê Thảo thời vang bóng (ĐD Việt Linh) và lại là Bá Nhỡ trong Tiếng đàn vùng Mê Thảo. Tại giải Cánh diều vàng 2004, tôi nhận giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai Tướng Tuấn, phim nhựa Tiếng cồng định mệnh (ĐD Khắc Lợi).

- Dạo này ông ít đóng phim?

- Vì làm vở liên tục hết việc Nhà hát thì mới đi làm phim được. 

- Thói quen hàng ngày của ông?

- Tôi mê xem tennis, đủ trình độ để làm trọng tài. Chẳng bao giờ tập thể dục, vì hay ngủ muộn ngày nghỉ và ngày thường nếu không có việc đầu giờ sáng. Tôi quản lý diễn viên kỷ luật, nhưng rất thoáng, tạo điều kiện cho anh em đi làm phim để sống bằng nghề, không quản lý kiểu công chức.

- Ông có thể cho biết kế hoạch sắp tới của Nhà hát Kịch Hà Nội được không?

- Từ năm 2011, tháng 5 hàng năm, Nhà hát tham gia LHSK Quốc tế ở Masan, miền Nam Hàn Quốc. Khởi đầu, Nhà hát dự thi vở Cát bụi (ĐD: NSND Thanh Huyền), năm 2012 là vở Điện thoại di động, và 2013 là Chinh phụ hai chồng (ĐD: NSƯT Đặng Tú Mai). Sau vở Những mặt thấp thoáng (HCV Liên hoan SK Kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012), Nhà hát tiếp tục hợp tác với nhà văn Xuân Đức, Điệp khúc virus là vở đánh thẳng vào “virus” xã hội được xem là quốc nạn: chạy bằng cấp mua chức quyền, tham ô, tham nhũng... tổng duyệt tối 15/11/2013. NSƯT Tiến Đạt trở lại bằng vai ông Chu Toàn, Ủy viên Trung ương Đảng về hưu, NSƯT Công Lý (kỹ sư Sừ, Giám đốc Công ty nuôi bò sữa), Tiến Minh - Cường, Tiễn sĩ Vi sinh, cùng Thùy Linh, Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh. Chúng tôi đang chuẩn bị sang biểu diễn tại Moskva, đem 2 vở Cát bụi, Chinh phụ hai chồng sang diễn. Khi trở về, chúng tôi sẽ công diễn Tiếng đàn vùng Mê Thảo và Điệp khúc virus. 

- Tôi vẫn muốn hỏi lại câu này đa số công chúng thích hài kịch, sao Nhà hát Kịch Hà Nội không phát triển một nhánh này bên cạnh thế mạnh chính kịch?

- Chúng tôi vẫn làm hài kịch hàng năm, nhưng diễn theo hợp đồng. Ngày 24-11 này, Nhà hát hoàn thiện chùm hài kịch mới, chắc sẽ công diễn tại rạp Công Nhân. 

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.