Sẽ có đội cấp cứu cơ động trong ngày tiêm chủng

ANTĐ - Để chuẩn bị tiêm lại vaccine Quinvaxem dự kiến triển khai vào đầu tháng 11 tới, từ nay đến cuối tháng 10, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sẽ rà soát lần 2 với tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố. Điểm mới ở đợt tiêm lại này là các đội cấp cứu cơ động, phản ứng nhanh sẽ được thành lập trong các ngày tiêm chủng nhằm ứng phó kịp thời với các ca tai biến nếu có.

Trẻ đến tiêm chủng đều được khám, tư vấn trước khi tiêm

Cơ bản khắc phục hết sai sót

Gần đây, lượng người đến tiêm tại điểm tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội đã tăng trở lại sau một thời gian bị sụt giảm do xảy ra vụ tiêm thiếu vaccine. Trung tâm này đã áp dụng quy trình an toàn tiêm chủng mới được Bộ Y tế hướng dẫn từ tháng 9 vừa qua. Dù lượng khách đến tiêm khá đông nhưng tất cả đều được khám sàng lọc và tư vấn trước khi tiêm. Ngoài ra, Trung tâm còn bố trí một phòng riêng cho người sau tiêm chủng lưu lại 30 phút để theo dõi sức khỏe. Qua quan sát vào sáng 8-10, căn phòng này có khoảng 50 ghế ngồi đều chật cứng do nhận thức của người dân về việc theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng được nâng lên…

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, vừa qua Trung tâm phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tiến hành rà soát, kiểm tra 100% điểm tiêm chủng trên địa bàn. Đáng lưu ý, không chỉ có các điểm tiêm chủng ở xã/ phường mà ngay cả điểm tiêm chủng tư nhân hay tại các BV, thậm chí là BV lớn trước đó vẫn xảy ra sai sót. Chẳng hạn khi kiểm tra khoa Dược của BV Phụ sản Trung ương phát hiện vaccine viêm gan B được để lẫn vào tủ thuốc với các loại thuốc khác, trong khi theo quy trình phải có tủ riêng để đựng, bảo quản vaccine… Hiện tại, cơ bản những tồn tại này đã được khắc phục và gần như toàn bộ các điểm tiêm chủng của Hà Nội đều đã đạt yêu cầu, tiêu chuẩn để triển khai tiêm chủng theo quy trình mới. Dù vậy, cuối tháng 10 này, Thanh tra Sở Y tế sẽ kiểm tra, rà soát lại lần 2 tại tất cả các điểm tiêm chủng, điểm nào đạt yêu cầu mới cho triển khai tiêm.

Sử dụng toàn bộ vaccine mới

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, do lần đầu tiêm lại vaccine Quinvaxem sau 6 tháng tạm dừng sử dụng vì liên quan đến tai biến nên chắc chắn tâm lý của người dân cũng như cán bộ, nhân viên tiêm chủng ít nhiều còn lo ngại. Vì vậy, ngoài việc siết chặt và tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội sẽ có thêm một số biện pháp bổ sung để hạn chế tối đa những ca tai biến nguy hiểm có thể xảy ra. Dự kiến trong đợt tiêm đầu tháng 11 này, y tế các địa phương sẽ phát giấy mời đến từng gia đình có trẻ nằm trong nhóm đối tượng tiêm Quinvaxem, thông báo lịch tiêm cụ thể để tránh trường hợp lượng trẻ dồn đến một buổi tiêm quá đông. Trẻ đến tiêm đều phải được khai thác tiền sử bệnh, khám sàng lọc và tư vấn trước khi tiêm chủng. Tại tất cả các điểm tiêm chủng đều có người của Trung tâm Y tế quận/ huyện giám sát trong ngày tiêm chủng. Đặc biệt, mỗi quận, huyện phải thành lập 2-3 đội cấp cứu cơ động vào những ngày diễn ra tiêm chủng để sẵn sàng hỗ trợ nếu có các ca tai biến sau tiêm.

Ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, các phản ứng gặp sau tiêm vaccine thường nhẹ, biểu hiện như sưng tấy, đau tại vết tiêm, có thể sốt nhẹ (38 độ C). Vaccine cũng có thể gây sốc phản vệ sau tiêm nhưng ít gặp và nếu có thì quá trình này thường xảy ra sớm. Do vậy, điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn là người tiêm chủng phải lưu lại tại điểm tiêm để theo dõi khoảng 30 phút sau khi tiêm. Sau đó trẻ cần tiếp tục được theo dõi tại nhà trong 24 giờ, nếu có biểu hiện bất thường phải đến cơ sở y tế ngay để được khám, xử lý kịp thời.

Quinvaxem là vaccine phối hợp “5 trong 1” phòng 5 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Hiện tại, Hà Nội đã chuẩn bị gần 70.000 liều vaccine Quinvaxem để sẵn sàng đáp ứng đủ cho các trẻ đi tiêm vào đợt này.