Sẽ có chế tài chặn “loạn” giải thưởng
(ANTĐ) - Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trao đổi với báo chí xung quanh vụ Vedan Việt Nam được trao 3 giấy chứng nhận “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng”.
- Bộ trưởng có bình luận gì về việc Vedan được trao 3 giấy chứng nhận sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng?
- Vừa qua, công luận cũng đã lên tiếng rất mạnh phản đối giải thưởng vì sức khỏe cộng đồng được trao cho 3 sản phẩm của Vedan. Các cơ quan chuyên môn cũng thấy được điều đó và đã thu hồi giải thưởng này. Bản thân Vedan cũng thấy mình nhận giải thưởng này là không xứng đáng nên đã tự nguyện trả lại.
- Từ vụ Vedan, có thể thấy một số tổ chức đã lợi dụng danh nghĩa cơ quan quản lý Nhà nước để trục lợi, ông có bình luận gì?
- Tôi cho rằng đơn vị cũng muốn có giải thưởng để tăng uy tín nhưng quan trọng là đơn vị duyệt, cấp phải làm chặt chẽ thì công tác khen thưởng mới đúng. Khen thưởng đúng địa chỉ, đúng đối tượng mới có tác dụng động viên thi đua.
- Vậy việc đóng con dấu của cơ quan Nhà nước trong một giải thưởng có tính chất xã hội hóa là đúng hay sai?
- Thực ra, các cơ quan xét tặng giải thưởng có động cơ tốt, nếu phát huy, động viên tốt những đơn vị có thành tích thì góp phần thúc đẩy phát triển, nhưng bên cạnh đó, có những quy định chưa rõ, đan xen giữa việc làm đúng và chưa tốt. Việc làm chưa đúng là lựa chọn đơn vị được giải chưa chính xác, thì phải rút kinh nghiệm.
Trong quá trình xét thi đua, những việc như vậy chưa thành quy chế, bây giờ phải xây dựng nên không thể nói là đúng hay không, khi nào có quy định cụ thể thì mới có kết luận. Bây giờ còn quá sớm để nói tới những việc cụ thể, vì mới ở giai đoạn xây dựng ban soạn thảo.
- Có một số cơ quan Nhà nước, thậm chí có một số cán bộ cấp cao tham gia vào những giải thưởng như vậy. Nếu xảy ra sai sót, sẽ áp dụng chế tài như thế nào?
- Thực tế, tôi biết các vị lãnh đạo chỉ đi dự khi bên tổ chức mời. Các anh ấy nghĩ trách nhiệm của cấp cao nên mới đi dự. Bây giờ chúng ta xây dựng quy chế thì cái chính vẫn là cấp có thẩm quyền duyệt, cần có quy định cụ thể đối tượng nào được khen, hình thức khen thế nào. Những quy định ấy được xây dựng càng chặt chẽ thì càng có tác dụng tốt cho công tác thi đua.
- Khi nào mới ban hành được quy chế mới để chấn chỉnh và dẹp bỏ tình trạng “loạn” giải thưởng hiện nay?
- Lộ trình này không thể nhanh được, ít nhất phải mất nửa năm, nhưng chúng tôi sẽ có ý kiến với các cấp cố gắng tập trung với tinh thần cao nhất. Thực tế từ việc công nhận, trao danh hiệu có lúc chưa thực sự phát huy được tác dụng tích cực về thi đua. Cho nên việc đặt ra quy chế là để việc công nhận và trao thưởng có tác dụng tốt. Xuất phát từ yêu cầu như vậy thì trong văn bản soạn thảo tới đây cũng phải nghiên cứu để quản lý tốt, động viên tốt công tác thi đua, động viên được những đơn vị làm tốt.
- Chế tài sẽ ở mức độ nào để chặn được tiêu cực trong xét duyệt?
- Khi xây dựng quy chế thì dứt khoát có những quy định không được làm. Chúng tôi cũng sẽ có hướng để báo cáo với các cấp có thẩm quyền, các vị lãnh đạo cao cấp sẽ dự những cuộc nào và cuộc nào không có ý kiến của các cơ quan chức năng thì không mời, các vị lãnh đạo cũng không tới dự. Còn những quy định mang tính răn đe như thế nào, cụ thể trong quá trình xây dựng có điều kiện sẽ nói rõ hơn.
- Ông có nắm được số lượng giải thưởng hiện nay không?
- Thực tế là không nắm được hết...
Thành Nam (Ghi)