Sau bão số 3, đề phòng mưa ngập, lũ quét

ANTD.VN - Sau khi đổ bộ vào các địa phương ven biển Hải Phòng, Thái Bình, bão số 3 tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng ngư dân chống bão số 3 ở Thanh Hóa

Nhiều tỉnh thiệt hại

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 3 gây gió giật cấp 10-11 tại các tỉnh, thành phố ven biển. Còn tại các địa phương nằm sâu trong đất liền  chỉ ghi nhận gió giật cấp 7-8, tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão các tỉnh, thành phố ở đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc đã có mưa to đến rất to. 

Tại Quảng Ninh, từ 8h sáng 19-8, đơn vị quản lý cầu Bãi Cháy đã cấm các phương tiện xe máy, xe thô sơ lưu thông trên cầu. Công ty TNHH MTV quản lý cầu phà Quảng Ninh đã bố trí ô tô chở người và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn.

Đến 17h ngày 19-8, bão số 3 không gây thiệt hại về người tại Quảng Ninh nhưng đã làm 11 nhà bị sập, 6 nhà bị tốc mái, 22 cột điện và cột viễn thông bị đổ hoặc bị nghiêng, 1 trạm biến áp bị đổ khiến nhiều nơi bị mất điện cục bộ. Bão số 3 làm sạt lở gần 200 m kênh mương, ngập lụt hơn 50 ha lúa và hoa màu, hàng nghìn cây xanh bị đổ gãy. 

Trước và trong bão số 3, Quảng Ninh đã phải tổ chức di dời gần 2.000 hộ dân với hơn 4.700 nhân khẩu trên địa tỉnh, trong đó huyện Hải Hà di dời tới hơn 1.000 hộ. Tại các sông suối, ngầm tràn bị ngập nước, chính quyền địa phương đã bố người canh gác và chắn barie cấm người và các phương tiện lưu thông qua lại. 

Đặc biệt, tại huyện Ba Chẽ, nước sông đang dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập lụt cục bộ, các con đường dẫn vào huyện Ba Chẽ đều ngập nước, người và các phương tiện đều không thể di chuyển qua được. 

Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng cho biết, đến chiều 19-8, đã di dời hơn 11.000 người dân đến nơi tránh bão an toàn. Đây là các hộ dân thuộc khu vực trũng thấp ven biển, các chung cư cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở…

Còn tại Hải Dương, mưa lớn đã gây ra nhiều sự cố tại các công trình đê điều. Tuyến đê hữu sông Kinh Thầy, huyện Nam Sách, đê tả sông Kinh Thầy, thị xã  Chí Linh, đê hữu sông Kinh Thầy huyện Kinh Môn… đã xuất hiện một số cung sạt trượt sâu và rộng.  

Cũng do ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa vừa đến mưa to; một số con suối, báo động lũ cấp III. Tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, đã có 1 người chết và 3 nhà dân ở xã Púng Bánh bị lũ cuốn trôi. Đây mới chỉ là những thống kê thiệt hại ban đầu. 

Mưa lớn sẽ kéo dài hết ngày 20-8

Khi bão số 3 tràn vào Hà Nội, đã có một số cây đổ và cành cây gãy, một số điểm bị úng ngập cục bộ sau trận mưa sáng 19-8. Cùng đó, có một số thiệt hại về nhà bị tốc mái, một số xe máy, ô tô bị cây đổ đè bẹp...

Bước đầu ghi nhận có hai người bị thương do cây đổ vào người.  Số liệu quan trắc từ Công ty  TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy, tính đến 15h chiều 19-8, tổng lượng mưa đo được từ 18h00 ngày 18-8 đến 15h ngày 19-8 tại các trạm đo của Công ty là Cầu Giấy 118,2mm, Nam Từ Liêm 121,9mm, Yên Sở 131,8mm, Nguyễn Khuyến 136,4mm, Hoàng Mai 125,4mm, Hoàn Kiếm 128,4mm, Vân Hồ 120,1mm…

Do lượng mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Nhuệ dâng cao (tại Trạm bơm Đồng Bông I là 5,30m, tại Thanh Liệt là 4,55m) nên đã xảy ra úng ngập tại Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng, Tân Triều, Ngọc Hồi, Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Lộc, Minh Khai-Mạc Thị Bưởi, Hoàng Mai, Nguyễn Chính, Giải với mức ngập sâu từ 0,25-0,4m…

Dự báo, trong ngày 20-8, sẽ tiếp tục có mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 200-300mm, có nơi trên 300mm. Do đó, mực nước trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-5m, hạ lưu từ 2-3m; nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thủ tướng chỉ đạo: Chủ động đối phó với mưa lũ, tránh tư tưởng chủ quan

Để chủ động phòng tránh, ứng phó với mưa lũ sau bão, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện ngày 19-8-2016 yêu cầu Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An: Đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa, lũ để nhân dân biết chủ động phòng tránh.

Thủ tướng cũng yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp không thực sự cấp bách, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập úng với phương châm triển khai quyết liệt, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng người dân.

Các tỉnh cần bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; có phương án bảo vệ hỗ trợ người dân, sẵn sàng ứng phó với tình huống mưa lũ lớn gây ngập úng, cô lập.