Sẵn sàng mở hầu bao

ANTĐ - Dù dưới góc độ nào, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản đã được kìm chế. CPI 11 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ 10 năm qua. Xét theo năm, CPI tháng 11 thấp hơn của nhiều tháng, bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước cũng thấp hơn của 10 tháng (6,65% so với 6,74%). Đó là tín hiệu khả quan có thể dự báo CPI cả năm nay chỉ tăng 6,2-6,3%, thấp hơn tốc độ tăng 6,81% của năm trước. Như vậy, năm 2013 lạm phát đã được kiềm chế thấp hơn theo mục tiêu do Quốc hội đề ra.

Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của 11 tháng năm nay, tuy có cao lên nhưng vẫn thấp so với tốc độ tăng tương ứng của năm trước và thấp hơn tốc độ tăng hai chữ số trong nhiều năm từ 2010 trở về trước. Với 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong “rổ” tính CPI, lương thực trong 11 tháng qua đã có 5 tháng giảm và thực phẩm có tới 4 tháng giảm.

Theo các chuyên gia, kiềm chế lạm phát thành công, song cũng đặt ra hai vấn đề. Một là, trong các yếu tố khiến lạm phát thấp, có một yếu tố quan trọng do đầu tư, sản xuất, tiêu dùng “co lại”, chứ không hoàn toàn do hiệu quả đầu tư, năng suất lao động cao. Hai là, những yếu tố có thể làm cho lạm phát cao lên trong tháng cuối năm và đầu năm 2014 vẫn tiềm ẩn. Giá lương thực tăng cao trở lại, giá rau củ quả từ vài tháng nay vẫn có chiều hướng tăng; giá thịt gia súc, gia cầm sẽ đắt lên, trong khi Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn năm ngoái. Gần đây, thương lái Trung Quốc lại mở cửa mua thịt lợn mỡ qua biên giới để tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán. Một yếu tố không thể xem thường là tiền tệ tác động trực tiếp đến lạm phát.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng tuy có cao lên trong mấy tháng nay, nhưng sau 10 tháng vẫn còn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng huy động tiền gửi bằng VND. Điều đó chứng tỏ, số tiền từ lưu thông vào ngân hàng tăng cao hơn tiền từ ngân hàng “chảy” ra thị trường, vào sản xuất kinh doanh. Có nghĩa là tiền vẫn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chính phủ, mua ngoại tệ, mua vàng. Mặc dù lãi suất tiền vay đã giảm một nửa so với một năm trước, song nhiều doanh nghiệp kêu ca rằng, rào cản hiện nay không phải lãi suất mà là điều kiện vay bị thít chặt. Kéo lãi suất giảm mạnh đối với doanh nghiệp là chưa đủ, vì thực tế các ngân hàng đang “nâng” rào cản ngặt nghèo lên cao hơn. Dường như sản xuất kinh doanh càng xấu đi thì điều kiện vay vốn lại siết chặt hơn. Khảo sát nhiều doanh nghiệp cho thấy, do sức tiêu thụ giảm, hàng tồn kho và nợ đọng thuế cao, nạn chiếm dụng vốn lẫn nhau trầm trọng, cho nên doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp để vay vốn.

Khi mà đất đai, chứng khoán đang là quả “bong bóng” xì hơi, thì các ngân hàng mới nhận thấy được sự căn cơ khi cho vay sản xuất kinh doanh nghiêm túc. Muốn tháo gỡ bế tắc tín dụng, cần có ngay các giải pháp để phá quan hệ “băng giá” giữa ngân hàng và doanh nghiệp, để ngân hàng sẵn sàng mở hầu bao cho doanh nghiệp vay vốn.