Sàn giao dịch điện tử đầu tiên giúp nghệ sĩ, "bầu sô" và khán giả tương tác thẳng với nhau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đây là mô hình chưa từng có tiền lệ tại thị trường âm nhạc Việt Nam, một nền tảng giao dịch điện tử có tên gọi VAB giúp các nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật và "bầu sô" có thể tương tác thẳng với nhau để trao đổi về nhiều vấn đề từ mời "sô" đến mua bán tác quyền tác phẩm. 

Mô hình đặc biệt này vừa được ca sĩ Tăng Ngân Hà cùng chồng là nhạc sĩ Lưu Quang Minh chính thức ra mắt trên nền tảng số VAB. Giọng ca sinh năm 1988 chia sẻ, VAB là một dạng web-app được thiết kế gần giống với một trang thông tin, trên đó được phân chia ra rất nhiều mục khác nhau và mỗi mục có chức năng riêng. Trong đó đáng chú ý có cả mục hồ sơ nghệ sỹ, trong đó có tóm tắt tiểu sử, giải thưởng, các sản phẩm âm nhạc được ghi âm hoặc ghi hình và niêm yết cả giá cát-sê tham khảo mỗi show diễn của nghệ sỹ đó…

Vì vậy mà có thể xem đây giống như một sàn giao dịch điện tử dành cho giới showbiz Việt. Ở đó, khách hàng là các doanh nghiệp muốn tổ chức sự kiện, các công ty tổ chức sự kiện, nghệ sĩ, khán giả...có thể tương tác trực tiếp với nghệ sỹ để mời "sô", thậm chí mua bán tác quyền các tác phẩm. Theo đó, trên VAB có danh sách của nhiều nghệ sỹ, nếu "bầu sô" muốn mời nghệ sỹ nào thì vào hồ sơ của nghệ sỹ đó để tham khảo từ hình ảnh đến chất lượng chuyên môn qua các clip, giá niêm yết và sau đó có thể tương tác trực tiếp với nghệ sỹ để thương lượng. Phía nhà sáng lập VAB khẳng định, điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng trong việc nhanh chóng tìm kiếm được nghệ sỹ phù hợp với chương trình, tiết kiệm được chi phí, giúp cho các đơn vị tổ chức các chương trình ca nhạc hoặc các sự kiện văn hóa giải trí thuận tiện trong việc biên tập chương trình và tiếp cận với các nghệ sỹ ở mọi phân khúc.

Cùng với đó, sàn giao dịch điện tử VAB cũng là nơi để các nghệ sĩ có thể tương tác thẳng với nhau để trao đổi về vấn đề tác quyền. Cụ thể như một ca sỹ trẻ muốn mua, xin "beat" nhạc (bản hòa âm) của một nhạc sỹ nào đó, hay xin phép được sử dụng ca khúc hoặc các vấn đề liên quan tác quyền tác phẩm của nhạc sỹ thì họ cũng có thể trao đổi trực tiếp một cách nhanh chóng và thuận tiện, tránh xảy ra trường hợp dùng chán chê rồi bị phát hiện mới tìm đến nhạc sỹ để “nói chuyện” gây ra rất nhiều ồn ào về tranh chấp bản quyền như thời gian vừa qua.

"Sự khác nhau giữa việc hai bên trao đổi với nhau trên mạng xã hội với việc trao đổi trên VAB là, nếu như trao đổi trên mạng xã hội thì chỉ có hai bên biết với nhau, còn với VAB sẽ có sự chứng kiến (lưu trữ thông tin) của bên thứ 3 chính là sàn VAB, đây sẽ là những thông tin quan trọng để làm chứng nếu như xảy ra tranh chấp, vì thế VAB không chỉ là nơi để trao đổi thông tin mà nó còn là nơi cung cấp thông tin cho các bên." - ca sĩ Tăng Ngân Hà chia sẻ.

Nói về lợi ích của việc nghệ sỹ tham gia VAB, nhà sáng lập ra nền tảng giao địch điện tử này cho biết, mỗi nghệ sĩ đều có giá trị riêng biệt cả về cá tính, sự nghiệp hay phạm vi hoạt động khác nhau. Từ trước tới nay trên thực tế chưa thực sự có cơ sở nào để định giá được giá trị của một nghệ sĩ. Người trong nghề thường sẽ đánh giá dựa trên tần suất tên tuổi của nghệ sĩ với quần chúng, thành tựu của họ, hiện nay còn có một phương diện nữa là truyền thông số với lượt nghe, lượt yêu thích, lượt xem tương tác cùng sản phẩm. Với VAB, các nghệ sĩ sẽ có thêm một kênh tương tác trực tiếp tới nhu cầu của khách hàng như: đặt lịch biểu diễn, mua tác quyền, mua bản quyền hay những đơn đặt hàng mới từ các doanh nghiệp, đại lý hay tương tác với người hâm mộ về các sản phẩm đã phát hành.

Ca sĩ Tăng Ngân Hà
Ca sĩ Tăng Ngân Hà

Trước băn khoăn của nhiều người về việc công khai giá cát-sê của nghệ sĩ, phía VAB cho biết, quyền riêng tư về con số cát-sê chỉ hiển thị đối với các tài khoản đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu đặt lịch, đặt hàng nghệ sĩ đó biểu diễn. Ngoài ra chi phí mua tác quyền, bản quyền dành cho hạng mục tác phẩm/ tác giả cũng được tham khảo từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để có các mức giá sàn chung cho thị trường sử dụng. Như vậy các nghệ sĩ có thể làm chủ được tài sản của mình một cách dễ dàng và minh bạch.

"Nhiều nghệ sĩ không có trợ lý, quản lý rất ngại nói đến chuyện cát-sê thì ứng dụng này sẽ giải quyết hộ họ. Chúng ta sẽ hướng đến cách làm việc chuyên nghiệp hơn và không phải mất nhiều thời gian." - nhà sáng lập VAB chia sẻ.

Cũng theo Tăng Ngân Hà, đây là mô hình mới chưa từng có tiền lệ tại thị trường âm nhạc Việt Nam, có thể chưa hoàn hảo nhưng nền tảng VAB này chính là một trong những hình thức mới của thị trường âm nhạc trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Sự chuyển dịch cách làm từ truyền thống sang hiện đại sẽ giúp cho cả nghệ sỹ lẫn khách hàng thuận lợi và nhanh gọn trong mọi hoạt động giao dịch khi có show diễn, đây cũng chính là một trong những chuyển biến về mô hình hoạt động chuyên nghiệp của thị trường âm nhạc Việt Nam trong thời đại công nghệ số 4.0.

"Tôi hoạt động trong ngành giải trí đã 16 năm, từng làm ở nhiều vị trí, điều tôi luôn đau đáu là mong muốn người nghệ sĩ lên sân khấu chỉ có hát, sáng tạo mà không phải bận lòng nhiều đến các vấn đề như cát-sê, bản quyền âm nhạc. Vì thế, chúng tôi đã cho ra đời ứng dụng sàn giao dịch điện tử dành cho giới showbiz để giúp các nghệ sĩ dễ dàng kết nối và chia sẻ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và rút ngắn khoảng cách với công chúng. Chúng tôi muốn bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ." - Top 7 cuộc thi "Vietnam Idol 2014" bày tỏ.