Sai lầm thường gặp khi trẻ biết tiêu tiền

ANTĐ - Chiều con là một lẽ nhưng con trẻ có xu hướng chi tiêu lệch lạc một phần do lỗi của phụ huynh. Dưới đây là những nhu cầu phổ biến về tài chính của con cái đòi hỏi hướng điều chỉnh khéo léo của phụ huynh.

Sai lầm thường gặp khi trẻ biết tiêu tiền  ảnh 1


Ám ảnh vì hàng hiệu

Riêng ngành công nghiệp thực phẩm của Mỹ mỗi năm chi hơn 10 tỷ USD cho các quảng cáo nhắm tới đối tượng trẻ em, một nghiên cứu năm 2004 của Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm Quốc gia Mỹ cho biết. Hình ảnh quảng cáo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ em. Trẻ từ 2-6 tuổi, chỉ cần 10 - 30 giây tiếp xúc với quảng cáo là có thể tạo nên xu hướng thích thực phẩm, đồ uống và đồ chơi mang thương hiệu đắt tiền, đó là hiện tượng rất phổ biến mà các nhà khoa học đặt tên cho nó là “yếu tố lứa tuổi”. Ví dụ, một nhãn hàng sữa chua cao gấp 4 lần thông thường có thể chưa phải là vấn đề tài chính đáng lo, nhưng khi bố mẹ thiết lập mô hình đó, con cái họ khi học đến trung học sẽ chỉ muốn mua những chiếc áo sơ mi đắt tiền hàng hiệu. Cũng lưu ý rằng, trẻ con dù có thể phân biệt nhãn hàng hóa nhưng đồ hiệu với sản phẩm tương tự có giá rẻ hơn đối với chúng cũng chỉ là tương tự như nhau.

Đua đòi với chúng bạn

Trẻ em cũng có áp lực với bạn bè, đôi khi áp lực đó chuyển thành nhu cầu muốn có được thiết bị điện tử, quần áo và đồ chơi đắt tiền giống như của bạn mình. Với các chuyên gia tâm lý, đó mới là trẻ em, dù đã 6 tuổi thì sự vòi vĩnh của chúng cũng chỉ kéo dài… 15 phút. Nhưng ngay khi cha mẹ đáp ứng yêu cầu trẻ, tính đua đòi của con sẽ được nuôi dưỡng, trẻ sẽ trông đợi vào một mức sống cao mà có thể sau này khó duy trì được. Đối phó với tình trạng này, một khi đứa trẻ đòi có được thứ như bạn mình có mà kế hoạch tài chính của bố mẹ không cho phép, hãy giải thích cho con cha mẹ còn phải tiết kiệm cho những khoản quan trọng hơn nhiều, đồng thời khuyến khích con nếu thực sự thích thì hãy tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua.

Trường học “trong mơ”

Điều này khá phổ biến đối với các gia đình có con chuẩn bị vào đại học, cao đẳng. Thời gian gần đây, tiền học phí, phòng trọ, ăn uống trung bình cho 4 năm đại học ngày càng tăng cao, đòi hỏi phụ huynh cũng phải tính toán kỹ. Giới trẻ thường “mơ” đến những trường đại học, cao đẳng ở tốp đầu nhưng lại ít chịu cân nhắc đến vấn đề học phí, trông chờ bố mẹ sẽ “bao cấp” hết. Nói “không” với con thì bố mẹ không đành nhưng phụ huynh có thể cùng con thẳng thắn trao đổi để xác định những con số tài chính ngay từ đầu, ví dụ con muốn học trường có học phí cao, điều kiện đặt ra sẽ là phải kiếm được học bổng hoặc vay vốn sinh viên.

Đám cưới xa xỉ

Đám cưới là sự kiện trọng đại của mỗi gia đình. Thực tế chỉ vì không khéo tính toán khi tổ chức lễ cưới, đôi trẻ thích phô trương hoặc chạy theo những dịch vụ tốn kém, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần sau đám cưới. Để tránh phải tình huống đó, cha mẹ nếu không đủ khả năng, tốt nhất là trung thực. Những đứa con bắt đầu trưởng thành sẽ hiểu khi biết cặn kẽ tình hình tài chính của phụ huynh để rồi xác định thà thu hẹp quy mô đám cưới hơn là gây rắc rối tài chính cho cha mẹ.