Sách “Cuộc chiến cam go”: Khi “lính ma túy” kể chuyện đánh án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau thành công của cuốn “Công an phố cổ”, Trung tá Phạm Quân - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lại tiếp tục cho ra mắt cuốn sách thứ 2 với tựa đề “Cuộc chiến cam go”. Cuốn sách là những câu chuyện, những trải nghiệm của anh trong suốt 16 năm đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Trung tá Phạm Quân - tác giả cuốn sách “Công an phố cổ” và “Cuộc chiến cam go” (ảnh: NVCC)

Trung tá Phạm Quân - tác giả cuốn sách “Công an phố cổ” và “Cuộc chiến cam go”

(ảnh: NVCC)

Chuyện lính

Tốt nghiệp Khoa Cảnh sát điều tra (Học viện Cảnh sát nhân dân), Phạm Quân có 6 năm phụ trách mảng hình sự ở Công an phường Hàng Trống (CAQ Hoàn Kiếm). Từng ấy năm công tác ở phường, những câu chuyện “bếp núc” của công an cơ sở - vốn được ví như “trăm dâu đổ đầu tằm” - từng được anh gói gọn trong 300 trang của “Công an phố cổ”, đã xuất bản vài năm trước. Với giọng kể khá chỉn chu, nghiêm túc và hết sức chân thật, bạn đọc có thể bắt gặp vô vàn chi tiết thú vị, những chuyện tưởng đùa hóa ra lại là thật. Ví dụ như bị chó cắn cũng gọi công an, đi uống rượu đến nửa đêm mới về rồi bị vợ mắng cũng gọi công an...

Ở “Cuộc chiến cam go” cũng vậy, vẫn giọng kể chậm rãi, chân thật, nghiêm túc, cuốn sách có vô vàn những chi tiết, những câu chuyện “hậu trường” của Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy. Nhưng ở đó còn có rất nhiều chi tiết xúc động và hài hước. Đối tượng vì cảm mến cán bộ điều tra mà dốc bầu tâm sự, kể hết các chân rết bán lẻ ma túy. Rồi đối tượng là nữ nhưng cán bộ điều tra phải đích thân đưa đi thử thai, khám thai. Đối tượng ốm, cán bộ phải đưa đi viện và tất bật đi lấy kết quả xét nghiệm trong khi đối tượng thì ung dung… cười.

Sách do NXB Công an nhân dân ấn hành

Sách do NXB Công an nhân dân ấn hành

Tháng 6-2007, Phạm Quân viết đơn trình bày nguyện vọng được công tác ở đơn vị nghiệp vụ cao hơn. Chuyện chuyển công tác đối với các ngành nghề khác vốn rất đỗi bình thường, nhưng là Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy thì lại khác. Để tránh cho người thân khỏi lo lắng, anh không hề kể với ai công việc của mình. Mãi đến nửa năm sau, anh cưới vợ. Sau đám cưới, gia đình mở quà mừng thấy toàn phong bì chúc mừng của đội ma túy. Chị lúc đó đã nghi nghi, nhưng vẫn nghĩ “chắc chồng mình thân với cánh lính chống tội phạm ma túy”. Mãi về sau chị cũng biết công việc của chồng, nhưng phải mất hơn nửa năm tiếp theo thì cả gia đình mới được biết.

Sau quá trình dài đánh án, Trung tá Phạm Quân còn tham gia vào công tác giảng dạy, tuyên truyền phòng chống ma túy cho học sinh

Sau quá trình dài đánh án, Trung tá Phạm Quân còn tham gia vào công tác giảng dạy, tuyên truyền phòng chống ma túy cho học sinh

Để đừng ai sa ngã

“Cuộc chiến cam go” không chỉ kể lại quá trình triệt phá các đường dây buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong suốt 16 năm công tác mà Trung tá Phạm Quân đã chứng kiến, đã trực tiếp tham gia, mà còn kể lại quá trình trượt dài của tội phạm ma túy. Đó là những cậu ấm, cô chiêu ở nhà to, phố lớn, nhưng ăn chơi, đua đòi, rồi bập vào nghiện hút, rồi để tiếp tục có tiền “chơi thuốc” thì chẳng có con đường nào tiện hơn là đi buôn ma túy. Đó là những thanh niên ở quê lên thành phố kiếm việc làm, hoàn cảnh xô đẩy mà thành tiếp tay cho tội phạm. Đó còn là chuyện “cười ra nước mắt” khi có đối tượng vì yếu sinh lý, nghe lời đồn thổi bèn đi mua ma túy về dùng với hy vọng “cải thiện cả kích cỡ lẫn thời gian”. Nhưng “cải thiện” chưa thấy đâu, chỉ thấy sức khỏe ngày càng tàn tạ vì cái thứ thuốc quái quỷ kia và cuối cùng trở thành mắt xích trong đường dây bán lẻ ma túy mà nơi chờ đón là nhà tù cùng bản án thích đáng.

Ở “Cuộc chiến cam go”, Phạm Quân cũng đã kể về con đường hoàn lương của rất nhiều đối tượng sau thời gian mãn hạn tù. Đó là Minh, một lái xe taxi vì tin khách quen mà chở đi giao ma túy. 7 năm tù với Minh là cái giá rất đắt. Mãn hạn tù, gặp lại người cán bộ điều tra năm xưa, Minh bảo, khoảng thời gian đó thực sự là ác mộng và quyết làm lại cuộc đời với những bước đi cẩn trọng, thiện lương.

Trung tá Phạm Quân tâm sự: “16 năm trải qua các vị trí công tác khác nhau như cán bộ điều tra, điều tra viên, trinh sát, chỉ huy, tôi đã hiểu thêm nhiều ngóc ngách, nhiều khó khăn, nguy hiểm và cám dỗ của công việc này. Mỗi đối tượng là một cảnh đời, một số phận, một sự sa ngã, lầm lỡ, là nỗi đau xót của cá nhân người phạm tội và người thân. Đó là những đêm thức trắng để xử lý hồ sơ, những trăn trở, suy nghĩ khi chưa làm rõ hành vi của đối tượng. Tôi may mắn được công tác tại Công an quận Hoàn Kiếm, ở đó có những trải nghiệm quý giá và hữu ích”.

Sau quá trình dài đánh án, Trung tá Phạm Quân còn tham gia vào công tác giảng dạy, tuyên truyền về tác hại và phòng chống ma túy cho học sinh trên địa bàn Hà Nội. Anh nói: “Tôi thấy sẽ thực sự ý nghĩa hơn khi viết một cuốn sách về những tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy thế hệ mới. Đối với giới trẻ, những cạm bẫy mà ma túy giăng ra, những sa ngã sau khi sử dụng, những hệ lụy cho cá nhân, gia đình, xã hội là vô cùng lớn. Tôi muốn cảm ơn những người đã biết sai mà dừng lại, nhận ra con đường hoàn lương. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn nói đến những vất vả, hy sinh của các cán bộ đang ngày đêm đấu tranh trên mặt trận phòng chống ma túy để mang lại cuộc sống yên bình”.

Cũng theo Trung tá Phạm Quân, trong thời gian tới, nếu có đủ chất liệu anh sẽ viết một cuốn sách về giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trẻ em. Ở đó anh sẽ nói đến quá trình ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của các em, các vấn đề cần quan tâm hiện nay như thế giới mạng, game, các trò chơi không lành mạnh, hay các chất ma túy thế hệ mới như thuốc lá điện tử gây hại cho giới trẻ như thế nào.